Manuel Castells với câu hỏi về đô thị

Tinh thần của bài viết này nối tiếp cho ghi chép trước về nghiên cứu đô thị và chủ nghĩa Marx, ở bài đó Manuel Castells mới chỉ được điểm danh nên sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua. Những nghiên cứu trước năm 2010 của Castells có nhiều khúc rẽ học thuật khác nhau, bài viết này nhắc nhiều đến giai đoạn đầu tiên khi ông còn dựa vào chủ nghĩa Marx trong lý luận của mình. Ghi chép có tính chất tập hợp lộn xộn, dùng để lưu trữ!

Tên tuổi của Manuel Castells thì bắt gặp nhan nhản trong các tiểu luận về xã hội thông tin cả trong và ngoài nước. Những đóng góp của ông đi cùng với sự phát triển của mạng Internet và xã hội thông tin đã đưa ông lên thành một trong nhữcng nhà xã hội học đô thị hàng đầu vào cuối thế kỷ trước và đầu thế kỷ này. Mặc dù những lý luận của ông về thời đại thông tin được người ta lặp đi lặp lại, nhưng dấu ấn gây tiếng vang chấn động nhất trong sự nghiệp học thuật của mình là việc Castells tấn công thẳng vào những gì cơ bản nhất của nghiên cứu đô thị, vấn đề bản thể luận và nhận thức luận của chuyên ngành này. Đô thị là gì, có tồn tại hay không một đối tượng như vậy trong các nghiên cứu về lĩnh vực này?

Trong những năm đầu thập kỷ 80 trước, đã có những tranh luận nóng bỏng về việc Liệu lý thuyết đô thị có thể xem là tồn tại hay không. Manuel Castells, trong giai đoạn còn chịu ảnh hưởng bởi tân Marxism của Louis Althusser, đã tạo nên những tranh luận nổi tiếng khi đặt lại vấn đề Liệu đô thị có là một thành phần tích cực trong sự sản xuất của không gian xã hội, nếu xem đô thị như biểu hiện vật chất của mỗi quan hệ cơ bản giữa tư bản, lao động và nhà nước (Castells, 1983). Khá hài hước là, việc ông nhấn mạnh rằng đô thị như địa điểm của tiêu thụ tập thể, để đáp ứng với xu hướng tích lũy quá mức của tư bản, dường như (phần nào đó) đã xóa đi những luận thuyết nghi ngờ của chính ông về vấn đề này. (Những vấn đề của nghiên cứu đô thị trong thời đại mới)

Manuel Castells là người Tây ban nha, theo học tại Barcelona về Luật và Kinh tế, sau đó trôi dạt đến Pháp trở thành một nhà xã hội học và sang Mỹ nghiên cứu – giảng dạy. Nước Pháp lúc đó là lò đúc các triết gia cùng với những phong trào xuống đường như Mai 68 là môi trường tuyệt vời cho Castells mở ra những lý luận xã hội học đô thị kiểu mới. Làm luận văn dưới sự hướng dẫn của Alain Touraine và những lời khuyên của Henri Lefebvre, trở thành giáo sư xã hội học rồi thậm chí bị nghỉ việc vì tham gia phong trào cùng sinh viên, quan điểm của Manuel Castells khá cấp tiến và tâm huyết với những phong trào xã hội. Cũng giai đoạn đầu đó, ông đã kết hợp giữa lý thuyết đô thị và chủ nghĩa Marx để ra đời cuốn sách đầu tiên, gây tiếng vang lớn về học thuật, cuốn La Question Urbaine (The Urban Question năm 1972).

Mặc dù là “A Maxist approach” như tiêu đề phụ của cuốn sách, nhưng chủ nghĩa Marx mà Castells thể hiện không giống người thầy Henri Lefèbvre hay thủ lĩnh Guy Debord, mà áp dụng cấu trúc luận marxist của Louis Althusser. Những lý luận về “hệ tư tưởng” của Althusser được Castells áp vào đô thị không chỉ giúp ông phê phán những quan điểm của Henri Lefebvre mà còn bác bỏ những lý thuyết đô thị của trường phái Chicago vốn là dòng chủ lưu về xã hội học thời đó.

Hệ tư tưởng (ideology) được Althusser đưa ra phát triển từ khái niệm của Marx, theo Althusser, Hệ tư tưởng là những gì trói buộc mọi ý thức mà nó sản sinh ra, không thể thoát ra được nên ta luôn có một cái nhìn phiến diện về thực tại. Khái niệm đó được Castells lắp sang lĩnh vực mình trở thành hệ tư tưởng đô thị (urban ideology), và bằng khái niệm này Castells phê phán thẳng tay những nghiên cứu của trường phái Chicago như một sự tiếp nối của hệ tư tưởng và không phản ánh đúng thực tại.

Triết học của Althusser là chống nhân bản, và vì vậy Castells cũng thế. Castells chỉ trích những nghiên cứu đô thị của trường phái Chicago quá tập trung vào văn hóa, lối sống (Đô thị như một cách sống -Louis Wirth) mà không hướng tới tiến trình toàn thể xã hội, không xem xét các đặc trưng của xã hội tư bản, những mâu thuẫn giai cấp của xã hội đó.

Castells nhắc đi nhắc lại “Văn hóa đô thị nó không phải khái niệm cũng chả phải lý thuyết, Nó là một truyền thuyết” hay “Mối liên hệ giữa không gian, đô thị và hệ thống hành vi nhất định được coi là đặc trưng của “văn hóa đô thị” không có nền tảng nào khác hơn một hệ tư tưởng”.

Castells cho rằng, xuất phát từ tư tưởng tiến hóa chức năng, trong truyền thống xã hội học Đức, từ Ferdinand Tonnies, Oswald Spengler rồi Georg Simmel, sau đó được Robert Park, sau thời gian nghiên cứu ở Đức, đã lôi về Mỹ xây dựng nên trường phái Chicago, “đô thị” của những nghiên cứu đó bị kẹt trong hệ tư tưởng. Họ đã khái niệm hóa đô thị như một “đại diện tưởng tượng” của thực tế. Nó đóng khung xã hội đô thị và văn hóa đô thị trong một giới hạn xã hội học và nhân học hẹp, như “một hệ thống nhất định của các giá trị, chuẩn mực và quan hệ xã hội, bao trùm lên một đặc trưng lịch sử và trật tự riêng của nó về cách tổ chức và chuyển đổi”.

(Ghi chú) Đô thị sinh thái (urban ecology). Sinh thái là khái niệm xuất phát từ khoa học vật lý: nghiên cứu cách thức động vật và thực vật thích nghi với môi trường. Đây là tình huống mà “sinh thái” được sử dụng như nội dung vấn đề của môi trường tự nhiên. Trong thế giới tự nhiên, sinh vật có xu hướng phân bố có hệ thống theo địa hình, chẳng hạn việc cân bằng giữa các mục tiêu khác nhau. Phái xã hội học Đại học Chicago lý luận rằng sự phân bố những khu định cư đô thị lớn và sự phân chia thành những dạng định cư giữa chúng có thể hiểu tương tự. Thành phố không phát triển một cách tự phát đơn thuần, mà là sự phản ánh lại với những điều kiện thuận lợi của môi trường. Ví dụ như, khu vực xã hội đô thị rộng lớn có xu hướng phát triển dọc theo bờ sông, tại vùng cây trồng đặc trưng hoặc trên ngã ba giao thương, xe lửa. “Một khi đã được thiết lập”, theo Park, “thành phố, dường như, trở thành một cơ chế tuyệt vời, thích hợp với mọi cư dân, giúp họ tìm được khu vực và môi trường sống phù hợp” (Trích Chương Thành phố và cuộc sống đô thị của Anthony Giddens – Đinh Lê Na dịch)

Castells cho rằng lý luận về Sinh thái đô thị của các học giả Chicago như vậy tuy thuận lợi cho Quy hoạch đô thị và hành chính kỹ trị, nhưng chúng bắt nguồn từ loại tư duy mà coi Việc quản lý xã hội là thuần khiết phi giai cấp, hay các tầng lớp đều như nhau và tập trung vào giá trị tiêu thụ của cá nhân và gia đình.

Những gì mà các bậc tiền bối xây dựng như Ferdinand Toennies với Gemeinschaft/Gesellschaft dẫn ra những thói quen tách bạch lưỡng cực giữa đô thị/nông thôn, thành phố/thôn quê, … dần dần đã xây dựng những khái niệm về văn hóa đô thị như một môi trường tạo nên những thay đổi của cách sống con người, tính tha hóa, những đứt gãy văn hóa, tính thường nhật của cuộc sống… Đô thị đã trở thành một chủ thể “chịu tội” nằm trong hệ tư tưởng của những nhà nghiên cứu, mặc dù, bản thân họ không thể có một định nghĩa rõ ràng nào về đô thị.

(Ghi chú) Ferdinand Toennies sau khi chứng kiến những dòng người đô thị hóa đầu tiên đã viết rằng họ, những người nông dân phải rời bỏ mối quan hệ làng xóm đầm ấm ở thôn quê để đến thành phố của sự lạnh lẽo thiếu thân thiện của nhịp sống đô thị trong cuốn sách “Con người và cộng đồng” (tên được dịch sang tiếng anh của cuốn Gemeinschaft Gesellschaft). Còn trong tiểu luận “Đô thị như một lối sống” (Urbanism as a Way of Life) Louis Wirth có nhận xét rằng người dân đô thị sống thiếu hụt bản sắc cá nhân dẫn đến hời hợt với các mối quan hệ, bạn bè và thậm chí cả người thân. (Trích Stanley Milgram và tâm lý học đô thị)

Chúng ta thường nhắc đến đô thị, và biết nó ở đó, nhưng thậm chí đến giờ này vẫn chưa có những khái niệm hoàn hảo về Đô thị là gì. Khi Louis Wirth khi viết Urbanism as a way of life đã cố gắng đưa đô thị về các kích thước để xác định như số dân, mật độ và sự không đồng nhất về cấu trúc xã hội. Cách thức mà đến giờ vẫn thường bắt gặp trong các báo cáo về Nhiệm vụ quy hoạch đô thị (Chẳng hạn Đô thị là nơi có số dân lớn hơn 50.000 người, có mật độ lớn hơn 15.000/km2 – tỷ lệ phi nông nghiệp trên 90% như tiêu chuẩn đô thị loại 1 của việt nam). Đi kèm theo đó Wirth đưa ra những mối quan hệ sơ cấp (giữa gia đình, thân thuộc) và thứ cấp (thỏa thuận xã hội) để từ đó nhân cách hóa cuộc sống thành phố. Đối với Castells tất cả những cái đó nên gạt bỏ vì chúng như một loại hình lý tưởng của văn minh đô thị, xác định trong giới hạn của tâm lý học xã hội dựa trên những ý tưởng về khủng hoảng cá nhân.

Theo Castells, việc “đô thị” được giải thích thông qua bằng chứng của biến đổi văn hóa là một tư tưởng sai lầm để lấp chỗ trống hoặc kiểm soát. Đó chính là hệ tư tưởng đô thị ám ảnh những nhà nghiên cứu suốt thời kỳ dài. Ông định nghĩa “Hệ tư tưởng đô thị, do đó, là một hệ tư tưởng đặc biệt mà xem phương thức và hình thái tổ chức xã hội như đặc trưng của giai đoạn tiến hóa xã hội, gắn liền với các điều kiện tự nhiên-kỹ thuật của tồn tại con người, và gắn liền với môi trường của nó”

Và tốt nhất là nên xa rời nhận thức luận đó về đô thị, để khỏi bị sa lầy trong hệ tư tưởng đô thị đó, tóm lại Castells kết luận: “Không có hệ thống văn hóa nào gắn liền với một hình thái tổ chức không gian nhất định, Lịch sử xã hội của loài người không được xác định bằng loại hình phát triển các cộng đồng địa phương (territorial collectivities), và Môi trường không gian không phải là gốc rễ của sự đặc thù về hành vi và biểu hiện”

Và Castells đã sử dụng chủ nghĩa Marxist cấu trúc luận của Althusser để tiếp cận đô thị, theo đó những thành phần cơ bản của Althusser được sử dụng, cấu trúc chặt chẽ Kinh tế, thể chế chính trị và hệ tư tưởng được dùng làm khung cho Castells đi tìm câu trả lời cho Urban Question. Trong lý thuyết của Marx, quá trình sản xuất luôn gắn liền với quá trình tái sản xuất, người lao động cần nghỉ ngơi để phục hồi sức lao động của mình. Althusser nhắc lại vấn đề đó khi khẳng định “Điều kiện tối hậu của sản xuất là việc tái sản xuất điều kiện của sản xuất” (combo 3)

(Ghi) Một thành phần quan trọng tối hậu là tái sản xuất sức lao động thông qua cách những người lao động duy trì bản thân họ qua mỗi ngày, tùy thuộc vào kỹ năng cần thiết và yêu cầu trong phân chia xã hội- kỹ thuật của lao động. Theo Althusser, tư bản cần người lao động tái sản xuất không chỉ về vật chất, sinh học (sức khỏe) mà còn về cảm xúc và ý thức hệ (tinh thần và hệ tư tưởng). Người lao động không chỉ phải đảm bảo những thứ họ ăn, ngủ và nghỉ ngơi, họ phải “biết vị trí của mình” trong cấu trúc giai cấp, chấp nhận thỏa thuận bất bình đẳng trong sinh hoạt hàng ngày, như một cái gì đó bình thường và được mong đợi. Đó là nơi Althusser thấy hệ tư tưởng hoạt động, đôi khi lộ liệu, nhưng thường thì kín đáo. Và vai trò của nhà nước tư bản trở nên quan trọng khi nó duy trì những điều kiện này.

Từ việc áp dụng Althusser, Castells chỉ ra đô thị phải hiểu như một chủ thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái sản xuất sức lao động và do đó nó cũng tạo điều kiện thuận lợi trong tái sản xuất quan hệ giai cấp. Sản xuất hoạt động trên một quy mô rộng, ít nhất là quy mô vùng, Các thành phố không thực sự hoạt động trong địa hạt sản xuất, nó nằm trong địa hạt của “tái sản xuất xã hội”. Và nó là địa điểm chính của Tiêu thụ tập thể, chính điều đó cấu trúc nên không gian. Trong thành phố không chỉ có nhà máy, văn phòng mà chính là các hoạt động văn hóa, xã hội diễn ra phục vụ tái sản xuất.

Học đường, dịch vụ giao thông và các lễ nghi hưởng thụ là cách con người “tiêu thụ” tập thể các sản phẩm của nền công nghiệp hiện đại. Hệ thống thuế ảnh hưởng đến việc ai có khả năng mua, thuê hoặc xây dựng ở đâu. Những tập đoàn lớn, ngân hàng và các công ty bảo hiểm, có khả năng cung ứng vốn cho hoạt động xây dựng, có sức mạnh ảnh hưởng đến tiến trình. Nhưng cơ quan chính phủ cũng có những ảnh hưởng trực tiếp đến các khía cạnh của cuộc sống đô thị, như xây dựng đường xá, công trình công cộng, lập các kế hoạch thiết lập vành đai cây xanh, mà sự phát triển mới không thể lạm dụng…Hình dạng vật lý của thành phố là sản phẩm của cả lực thị trường và quyền lực của chính phủ. (Trích Chương Thành phố và cuộc sống đô thị của Anthony Giddens – Đinh Lê Na dịch – Đã dẫn)

Như vậy Castells xem nhà nước như một chủ thể sử dụng quy hoạch đô thị đối với không gian và sử dụng thể chế hóa để điều phối các xung đột chính trị – xã hội. Yếu tố kinh tế vẫn đóng vai trò thống trị, nhưng vai trò của nhà nước cũng bảo hộ được cho sự phát triển của tư bản.

Với khái niệm tiêu thụ tập thể, thay vì trả lời Castells đã xóa bỏ luôn cả câu hỏi “Đô thị là gì”, Thứ mà nhặn nhạnh lại để sử dụng sau lý luận của Castells là một khái niệm trừu tượng về không gian, một không gian mà được gộp theo xã hội và không đóng bất kỳ vai trò thực sự nào của riêng mình. Với ông thì ngay cả không gian cũng bị biến mất, hoặc nó chỉ được coi như sản phẩm lịch sử, không phải khung cảnh cho hiện tại.

Điều này khác với người thầy Henri Lefebvre, người rất coi trọng không gian và đô thị (Xem thêm Henri Lefebvre – Không gian và xã hội học đô thị). Đô thị, với Lefebvre rất quan trọng, đó là bước phát triển tiếp theo của xã hội loài người, từ Nông nghiệp, Công nghiệp tới Đô thị. Cách mạng đô thị là kỷ nguyên mới trong tiến trình đi lên, và Thời đại đô thị là cái đích trước mắt. Tuy nhiên Castells cho rằng Lefebvre đã đi lạc từ chủ nghĩa Marx cổ điển sang quan điểm của Louis Wirth khi quá coi trọng mật độ, sự tập trung đô thị và dẫn đến kêu gọi cuộc cách mạng trong cuộc sống hàng ngày. Castells cho rằng lời kêu gọi việc chuyển chiến trường từ nhà máy ra đô thị, đấu tranh đô thị thay cho đấu tranh giai cấp, “trên thực tế, sẽ nuốt hết tất cả các quan hệ xã hội, tư tưởng, chính trị, kinh tế làm cho chúng vô định hình và không phân biệt, gây bối rối cho lý thuyết và mất định hướng chính trị”. Điều này thậm chí đi ngược lại quan điểm duy vật của Marx khi quá đi sâu vào con người đô thị. Castells cho rằng Lefebre quá sùng bái “không gian”, quá lý tưởng và có lẽ quá utopia trong cuộc cách mạng đô thị.

“Những ý tưởng của Lefebvre” Castells nói “quá mạnh mẽ, thực tế là ông ta không có một ý tưởng dù nhỏ nhất về thế giới hiện thực; ông ta không biết một chút gì về cách thức kinh tế vận hành, cách thức công nghệ vận hành, cách thức các quan hệ giai cấp mới được xây dựng – nhưng ông ta là một thiên tài về dự cảm những gì thực sự xảy ra. Gần như một nghệ sỹ, ông ta có lẽ là nhà triết học vĩ đại nhất về đô thị của chúng ta” Lý thuyết đô thị của Lefebvre, với Castells, hoàn toàn thiếu sự nghiêm ngặt “Tôi không nghĩ nó có bất kỳ nghiên cứu cơ sở nào” “tôi không nghĩ siêu hình có thể giúp quá nhiều”

Còn Lefebvre trả lời “Castells không hiểu hết về không gian, anh ta từ chối không gian, anh ta vẫn thuộc hệ thống marxist đơn giản, …rất giản lược” – (The Urban Question’ and ‘The Rise of the Network Society’ – Bo Grönlun)

Bằng việc phê bình lý luận người thầy cũ, Castells đã thu hút sự quan tâm đến với mình, và trở nên nổi tiếng và vinh quang trong những năm 70, song song với thuyết cấu trúc của Althusser. Tuy nhiên những năm sau khi tính cứng nhắc của thuyết cấu trúc bị phê phán thì những lý luận của Castells cũng dần trở thành lạc hậu, mặc dù cách ông phủ định bản thể luận và nhận thức luận về đô thị học vẫn còn nhiều ý nghĩa. Ở giai đoạn sau, ông cũng chuyển sang nghiên cứu những phong trào xã hội bình dân và hiện tượng xã hội, đặc biệt là xã hội học đô thị thời đại thông tin đã mang lại cho ông sự mến mộ của giới học thuật và cả truyền thông. Thậm chí Castells còn là thế hệ đi đầu khi xây dựng những khái niệm về thời đại thông tin trước khi lịch sử nhân loại bước vào cuộc cách mạng với công cụ Internet, tuy nhiên, ông cũng dần tách ra khỏi lĩnh vực nghiên cứu đô thị.

Tham khảo chính:
+ The Urban Question – A Marxist Approach – Manuel Castells
+ Metromaxism – A Marxist Tale of the City – Andrew Merrifield

+ Postmetropolis: Critical Studies of Cities and Regions – Edward W. Soja

(Bài viết này chưa nhắc đến thời kỳ hậu cấu trúc của Castells với những cuốn nổi tiếng như The City and the Grassroots, Bộ ba cuốn sách về Thời đại thông tin hay nghiên cứu của ông chung với Peter Hall về các đô thị công nghệ Technopoles. Đánh dấu lại để còn tiếp tục)

Advertisement

3 bình luận

  1. Chào anh! em có chút thắc mắc muốn hỏi về giao diện mà anh cài đặt. Khi vào homepage https://dothiblog.wordpress.com/ thì thấy có một ảnh đại diện cho bài viết này, nhưng khi mở full bài viết ra thì thấy trong nội dung không hề có hình ảnh đó. Không biết trong quá trình soạn thảo thì anh có thêm đối tượng nào không? và thêm như thế nào để được như vậy?
    Cám ơn anh 🙂

    1. Đó là Featured Image, khi soạn thảo thì nó hiện lên ở góc phải dưới cùng. Hình như chỉ 1 vài theme hỗ trợ tính năng này.

      1. Hihi! Cám ơn anh nhiều 🙂

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: