Chinatown – mảnh ghép khác biệt ở đô thị phương Tây

[Reblog from Dothiblog] Mùng một tết ở Lyon, Pháp, tôi ngang qua chợ tàu chợt dừng lại khi nghe pháo nổ đì đùng. Đã lâu lắm rồi kể từ ngày Hà nội cấm đốt pháo ngày tết. Trong đầu tôi thoáng hiện lại những nếp xưa truyền thống của ngày mùng 1 tết, khi cả thành phố râm ran tiếng nổ, mùi pháo, mùi hương ùa vào nhà cùng cái lành lạnh của đêm Hà nội trong làn gió xuân năm mới tràn về. Hình ảnh bánh pháo đỏ hồng đang nổ tung đùng đoàng như mang lại ký ức về cành đào, bánh chưng, nén hương, câu đối và những nụ thủy tiên ở Việt Nam. Đi cùng tôi là một cô bé sinh năm 93 và đã từng có quá khứ 19 năm ở việt nam chưa từng biết pháo tết cổ truyền. Bánh pháo nổ nhảy tưng hào hứng trong đôi mắt mở to và 2 tai bịt chặt. Không chỉ có cô, 1 đoạn phố tàu như bị tắc bởi đám đông, chen chúc nghe tiếng pháo mùa xuân và cặp lân nhảy múa, ở giữa là đám đông người á đông, ta tầu thái lào đủ cả, trẻ con tròn mắt, người lớn tươi cười, Bên ngoài vòng tròn chen chúc là những người phương tây, khoanh tay đứng yên xem cái tết của người dân khu phố. Cũng có những người tò mò tiến đến gần hỏi chuyện với những ông già trung niên gốc á mặc áo vest trông rất “tây học”, chắc là hỏi han về văn hóa phương đông. Cũng có người đơn giản chỉ là những ông bố bà mẹ đưa con đi ngang qua sốt ruột dừng chân cho những đứa trẻ ngắm nghía. Phố tầu là thế, nơi những người Á Đông có thể bất chợt tìm thấy những nét châu Á để có thể hồi tưởng về quê hương trên mảnh đất phương tây này. Nơi những người phương tây đến đó để có những trải nghiệm sống động về thế giới phương đông xa xôi, những trải nghiệm với món ăn, với chữ tượng hình và với sự đông đúc có phần thiếu gọn gàng.

chinatown ở đô thị phương tây

Múa lân – Ảnh: Tuấn Lalarme

Nguồn gốc
Chinatown của người Mỹ hay người việt gọi là khu phố tàu, chợ tàu, người pháp gọi là khu phố á châu “quartier asiatique”, được hình thành ở hầu như mọi quốc gia do những đợt di dân của người Trung hoa đến mọi nơi trên thế giới. Có lẽ cùng với Do thái thì Trung hoa cũng là dân tộc có truyền thống lưu lạc tứ xứ nhất. Ngay cách người việt gọi người Hoa là ” người Tàu” cũng bắt nguồn từ những nhóm người di cư vào nước ta bằng đường biển từ đời Trần trong lịch sử. Lý do di cư của những làn sóng người Hoa có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, mỗi nguyên nhân ra đi dường như ảnh hưởng tới hình ảnh của Chinatown tại nơi họ đến. Như làn sóng những người buôn bán, thương nhân người Hoa tạo ra những khu Chinatown giàu có và sầm uất ở Singapore hay Bangkok, những người lao động nghèo di cư sang các nước phương tây gây dựng một hình ảnh Chinatown xập xệ, ổ chuột tại các nước Bắc Mỹ, Những làn sóng người di cư từ những lý do mâu thuẫn với chính quyền phong kiến trong nước khi các triều đại bị lật đổ lại tạo ra những khu người Hoa khá truyền thống và lễ nghi.  Mặc dù khi nhắc đến Chinatown người ta thường nghĩ đến dân nhập cư gốc Hoa, tuy nhiên trong cấu trúc dân cư của nó tại những đô thị khác nhau, tỷ lệ những người có nguồn gốc á đông khác như Thái, Việt, .v.v. chiếm thành phần không nhỏ. Chinatown trong khuôn khổ bài viết xin giới hạn những khu người Á Đông ở trung tâm hoặc trong nội đô các thành phố lớn các nước phương tây.

Chinatown – “Nhà truyền thống” của người phương đông trong đô thị phương tây
Hầu như đô thị phương tây lớn nào cũng có những khu Chinatown ở gần trung tâm, và khi nhắc đến khu phố tàu là gợi lên ý nghĩ về những quán hàng phục vụ những món ăn phương đông và các siêu thị to nhỏ tràn ngập các sản phẩm á đông dành cho những người nhập cư muốn ăn đồ truyền thống hàng ngày.

Đi giữa phố tàu Guillotière, trong một tối lành lạnh và lất phất mưa, ta tưởng chừng như đi lạc trong một khu ngoại ô đèn vắng với mặt đường loáng nước hắt hiu buồn những ánh sáng góc phố vàng mờ. Một phố chỉ có 3,4 nhà hàng việt nam hay nhật là có ánh sáng hắt ra qua ô cửa kính, mà nếu nhìn vào trong đó qua vệt nước, ta cũng chỉ bắt gặp những thực khách người Pháp đang dùng đũa khéo léo trong một không gian nội thất 9 phần tây hiện đại, 1 phần Á đông. Không có những cổng chào mái ngói dầy đặc chữ Hán như ở Boston, không có những cửa hàng lưu niệm bán đủ thứ linh tinh rẻ tiền do người Hoa làm chủ như ở NewYork, cũng chẳng có mái chùa hay đền như Amsterdam, phố tầu ở đây chỉ là những nhà hàng và siêu thị nho nhỏ phục vụ cho những người dân thành phố thỉnh thoảng muốn thưởng thực hay tự tay làm các món ẩm thực châu Á. (Trích Guillotière – khu phố đa sắc dân )

English: Chinatown Amsterdam

English: Chinatown Amsterdam (Photo credit: Wikipedia)

Giá cả cũng phải chăng nếu so sánh với những siêu thị rẻ nhất ở phương tây. Các mặt hàng có chất lượng có lẽ không cao lắm nhưng như thế hợp lý với thói quen tiêu thụ của người châu á. Nếu như những người giàu có ở xã hội phương tây luôn hướng về các sản phẩm Bio, những người thu nhập bình thường đi chợ trong các đại siêu thị thì những người di cư châu á vẫn giữ một thói quen đi chợ trong các siêu thị phố tàu nếu có thể.
Không chỉ ăn uống, truyền thống sống quây quần cùng nhau khi đến một nơi xa lạ cũng được tiếp nối để chống lại những tác động đa chiều của bản địa. “Buôn có bạn, bán có phường”, những người dân di cư châu á luôn cư ngụ gần nhau để cùng chia sẻ lối sống, cảm thấy gần gũi và mạnh mẽ hơn. Sự khác biệt về lối sống, nền tảng văn hóa và hình thể cũng khiến người châu á cảm thấy thiếu tự tin khi hòa nhập và chỉ khi đến khu Chinatown, mới tìm được một không gian đồng điệu. Cấu trúc dân cư của Chinatown cũng “thay máu” liên tục, khi những người cũ chuyển đi (vì giàu lên hay vì muốn tách biệt, hay vì lý do công việc khác) những người nhập cư mới lại thay thế những người cũ duy trì sự phát triển “kiểu châu á” ở những khu Chinatown từ năm này sang năm khác.  Sống trong nền văn hóa phương tây khác biệt, dù nhiều người gốc á có thể hòa nhập khá tốt với dân cư bản địa, nhưng họ vẫn có những khoảnh khắc muốn quay lại với truyền thống cũ bằng những lúc đi ăn, đi chơi tết hoặc đi chùa ở khu phố tàu. Ảnh hưởng văn hóa hướng nội kéo dài hàng ngàn năm trời đã ngấm vào trong người phương đông di cư và khó có thể bị phai mờ được trong khoảng thời gian 1,2 thế hệ.

Chinatown – hình ảnh phương đông trong con mắt người phương tây
Mặc dù ngày nay những tour du lịch châu á ngày càng nhiều trong các dịp nghỉ lễ phương tây, nhưng cách tiếp cận văn hóa phương đông đơn giản nhất đối với người phương tây vẫn là đến các khu Chinatown và thử sức với cây đũa và những món ăn châu á. Các món ăn đồ tàu, đồ nhật hay hàn quốc vẫn mang lại những cảm giác tò mò cho người phương tây, đặc biệt trong một không gian đỏ rực với các tiếp viên châu á ăn mặc là lạ và các bức tường đầy chữ tượng hình không thể hiểu. Mặc dù Chinatown luôn đông đúc chật chội và chất lượng vệ sinh môi trường ở các khu vực này luôn thấp, tuy nhiên các nhà quản lý đô thị phương tây vẫn muốn giữ một hình ảnh Chinatown khác biệt trong bức tranh tổng thể đô thị như một yếu tố không thể thiếu. Lịch sử đã chứng minh được rằng không thể dễ dàng can thiệp vào các khu ở của cộng đồng dân nhập cư, hơn nữa khác với các cộng đồng nhập cư khác, các khu Chinatown thường mang lại nguồn lợi lớn cho các đô thị về mặt kinh tế thương mại. Có lẽ chính vì thế mà khu Chinatown luôn ở trong nội đô và gần các trung tâm đô thị. Không phải cộng đồng dân nhập cư nào cũng có được vị trí như thế.

Với lịch sử khi thành lập là những người nhập cư lao động nghèo, lối ăn ở của người châu á lại tạo điều kiện cho các bệnh dịch phát triển, các Chinatown trong mắt người phương tây có chút gì đó đen tối với những âm mưu tội phạm và các ổ đánh bạc trái phép. Điều này không còn đúng với những khu Chinatown hiện nay, tuy nhiên cái nhìn đen tối đó được thể hiện rõ trên phim ảnh khi các nhà làm phim luôn có xu hướng trầm trọng hóa những băng nhóm, những âm mưu và sự bí hiểm của người phương Đông tại các khu Chinatown. Liệu điều đó có thể coi là sự e ngại, kiêng dè của người phương tây đối với sự khó hiểu của văn hóa phương đông tồn tại mạnh mẽ và dai dẳng ngay trong chính đô thị của họ? Có lẽ tôi sẽ quá chủ quan khi có một nhận xét rằng các khu Chinatown hiện lên trong mắt người phương tây dưới 1 góc nhìn trộn lẫn tò mò, coi thường và nghi ngại.

Chinatown khác biệt và đồng hóa?

The Chinatown portion of the greenway, under c...

The Chinatown portion of the greenway, under construction as of 25 May 2006. The plaza at the center was completed in August, 2007. (Photo credit: Wikipedia)

Chinatown tồn tại khá ổn định ở những đô thị lớn do phù hợp với những yếu tố của một đô thị hiện đại khi nó phục vụ được những nhu cầu kinh tế, văn hóa và cung cấp tính đa dạng cho một đô thị hiện đại ở phương tây. Đằng sau sự hóa nhập của không gian Chinatown vào trong tổng thể đô thị là sự khác biệt về văn hóa và động lực về kinh tế của cộng đồng dân nhập cư nơi đó. Sự hướng nội trong văn hóa á đông đã tạo nên sự khác biệt không đồng hóa của các khu Chinatown ở đô thị phương tây. Ỏ một chiều hướng ngược lại, có lẽ tính hướng nội cũng ngăn trở những ảnh hưởng của văn hóa phương đông vào cộng đồng phương tây khiến nó luôn bí ẩn và khác biệt. Trong xã hội Tây phương này có thể thấy ngày càng nhiều sự xuất hiện những gương mặt châu á trên đường phố và mọi lĩnh vực, tuy nhiên dòng chảy văn hóa phương đông có vẻ vẫn chưa có những sự kết hợp và phát triển hài hòa với dòng chảy phương tây. Những đường nét kiến trúc, cái ồn ào vồn vã, và cả cái chút gì đó nhộn nhạo vẫn chỉ quanh quẩn trong khu vực mà không lan ra chút gì trong thành phố.  Con người đã dịch cư, nhưng những đặc thù văn hóa như nghệ thuật, kiến trúc, tôn giáo dường như không có ảnh hưởng tích cực đến văn hóa phương tây. Khu phố Chinatown vẫn chỉ tồn tại như một mảnh ghép khác biệt hòa nhập vào trung tâm đô thị.
Nhưng sự khác biệt này còn duy trì đến bao giờ ? Bao giờ thì chúng đồng hóa và trở nên nhạt nhòa trong kỷ nguyên hội nhập này? Có lẽ không còn lâu nữa. Với sức tăng dân số và sự toàn cấu hóa, người nhập cư sẽ còn tiếp tục, lớp sau nối tiếp lớp trước. Nhưng văn hóa truyền thống ở ngay bản thân các nước Đông Á và Đông Nam Á đang phai nhạt dần trước những mặt trái của văn hóa tiêu thụ phương tây, đặc biệt xảy ra với người Hoa hay người Việt. Những lớp người nhập cư mới có lẽ sẽ chẳng còn truyền thống gì mang đến với đô thị phương tây để đảm bảo Chinatown vẫn còn bản sắc khác biệt.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: