Những nguyên tắc của McDonald’s
(Nhân vừa nghe tin Mcdonald’s vào mở cửa hàng tại Việt Nam vào tháng 2 tới)
Lâu không ăn tự dưng nghĩ đến McDonald’s lại thấy thèm. Nhớ cái khay đồ ăn có một cốc coka, 1 bịch khoai tây chiên nho nhỏ và 1 bánh sandwich dằn bụng mỗi khi cần ăn gấp hay tạt vào trên những nẻo đường du lịch. Cái bánh sandwich cũng không có gì quá no đủ với sức ăn thanh niên, Chỉ là chiếc bánh vuông hoặc tròn phủ lớp vừng kẹp thêm chút salade, lát cà chua, một miếng steck băm nướng hơi béo, rắc chút tiêu, hành tây và xịt thêm chút sauce Biggy bí quyết của cửa hàng. Gọi là bí quyết cho vui chứ siêu thị bán đầy đủ các nguyên liệu, nhưng mua siêu thị lích kích làm gì, Mcdonald’s có ở khắp nơi.
Chuỗi cửa hàng McDonald’s ở Pháp hầu như thành phố nào cũng có, những quảng trường lớn, cung điện to hay điểm du lịch hấp dẫn, đều sẽ có McDonald’s. Trên đường quốc lộ cũng có McDrive dành cho những người đi xe hơi tạt qua, trong quán sạch sẽ sáng sủa có toilet, Internet, và một góc nhỏ con con làm chỗ chơi cho trẻ em. Uống tách cafe, ngồi lướt nét facebook hay học bài cả ngày cũng chẳng mấy khi bị nhân viên hỏi han. Tự phục vụ kiểu Mỹ mà, không như các hàng ăn truyền thống của Pháp (tất nhiên!).
Trên Paris, có những quán McDonald’s rất nhiều sinh viên người Việt làm thêm, đông đến nỗi lập thành một hội, mỗi tuần mươi mười lăm giờ lăng xăng chạy ra chạy vào, kiếm thêm vài trăm euro phụ giúp cuộc sống nơi xứ người. Công việc polyvalent cũng đơn giản và được “kịch bản hóa” hết đến chân tơ kẽ tóc. Đứng caisse thì chỉ cần Bonjour, quý khách chọn bánh gì, menu hay gọi riêng, frite hay salade, nước gì, sauce gì, xin mời đợi, của quý khách đây xin cảm ơn và hẹn gặp lại. Còn làm trong bếp thì như gia công lắp ráp trên một dây chuyền sản xuất, sandwich, steak, sauce đều được chế biến sẵn ở xưởng sản xuất, bỏ tủ lạnh và giao tới, việc của “đầu bếp” chỉ việc làm nóng chúng lên và sắp xếp vào nhau để thành 1 cái bánh. Tất cả công việc được tính toán xé lẻ thành các thao tác, làm xong ngần đó bước là cái bánh ra đời. Nói quá lên thì “Một con khỉ được huấn luyện cũng làm được” như trong tài liệu tập huấn của Burger King(*).
Không cần đầu bếp chuẩn với khả năng vị giác và thẩm mỹ thiên phú, chỉ cần những con người được cơ giới hóa, lặp đi lặp lại hàng ngàn lần thao tác, trong một dây chuyền lắp ráp, và theo sự đổ dốc của đường cong kinh nghiệm, thời gian “lắp ráp” cái bánh sẽ giảm đi và công nghệ fastfood ra đời.
Tốc độ của hệ thống cũng được giám sát chặt chẽ bởi mấy anh mấy chị Manager, số thời gian lấy đơn đặt hàng (command) của khách, số thời gian làm 1 cái bánh, tất cả được kiểm tra quán xuyến để đảm bảo nhân viên làm việc công suất tối đa. Trong một gian bếp McDonalds, có cả tá tiếng động của những chiếc đồng hồ reo inh ỏi như những lời giục giã “Frite chín rồi này” “Bánh nóng kìa” “Steak được rồi kìa” “Menu đã giao”..nhanh, nhanh, nhanh. Mọi công đoạn đều có tín hiệu hoặc khẩu lệnh kết thúc.
Công việc đơn giản và được “chuyên môn hóa” hết rồi, ai làm cũng được, vì vậy nên lương chỉ là Smic thôi, tức mức lương thấp nhất thị trường lao động. Thiếu một người thì ngay lập tức tuyển được người khác, không cần đào tạo nhiều, không cần năng lực gì đặc biệt, mọi vị trí luôn luôn có thể thay thế.
McDonalds là vậy luôn có 4 tính chất như thế, Hiệu quả, Mọi thao tác đều được tính toán trước, Luôn kiểm soát và Máy móc cơ giới hóa tối đa những thao tác. Kết quả cho ra đời mọi sản phẩm giống nhau, giá rẻ và phục vụ hàng loạt cho xã hội với thời gian ngắn nhất. Cùng với Coca, McDonalds xuất hiện mọi nơi trên thế giới như biểu hiện sự thống trị của toàn cầu hóa và tư duy quản lý kinh tế hiện đại.
Nhưng cũng vì thế mà tạo nên tính chất thứ 5 của hệ thống hàng loạt này, đó là mất nhân tính do sự hợp lý sinh ra. Đằng sau mô hình lắp rạp hiệu quả là sự lạnh lùng đến ghê người. Đằng sau những thông số tưởng như đấy cởi mở trong quảng cáo tại mấy cửa hàng bên Pháp như nhân viên McDonald’s chỉ làm tối đa 30h/tuấn bằng 3/4 thời gian ngành nghề khác, hay 65% Manager dưới 30 tuổi, một phần thực ra chỉ là sự hạ thấp lao động của con người và lên ngôi của khoa học quản lý.
Những điểm tiêu cực của một hệ thống hàng loạt, thức ăn đông lạnh và không tốt cho sức khỏe lâu dài, gia tăng rác thải tới môi trường hay điều nêu trên, chỉ tạo ra những công việc trả lương thấp, luôn được những clips quảng cáo, sự sạch sẽ và những khuyến mãi đánh lạc hướng. Cũng như nụ cười giả tạo chuyên nghiệp của những cô nhân viên đứng quầy che phủ đi sự suy giảm nhân tính trong cỗ máy hoạt động phía sau.
George Ritzer trong các nghiên cứu tiếp nối Max Weber đã cảnh báo “hiện tượng Mcdonald’s hóa với các nguyên tắc của chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh này đang ngày càng trở nên thống trị các lĩnh vực trong xã hội Mỹ cũng như toàn thế giới”(*). Quá trình McDonald’s hóa xảy ra khi cách quản lý này lan rộng sang các ngành nghề khác, lĩnh vực khác trong xã hội. Mcdonaldization trở thành khái niệm tương đương với nhất thể hóa (homogenization) khi nghiên cứu những ảnh hưởng tới xã hội bởi chủ nghĩa tiêu thụ kiểu Mỹ, như bước phát triển tiếp theo quá trình hiện đại hóa. Quần áo được sản xuất theo lố với số khác nhau, nhà cửa và đô thị mới cũng ra đời hàng loạt từ một bản vẽ duy nhất. Tính đa dạng của thế giới tự nhiên đã bị áp đặt bởi tính đồng nhất do các quy tắc xã hội đặt ra do ảnh hưởng của McDonald hóa. Xã hội ngày càng vô cảm khi không gian công cộng ngày càng bị đóng gói trong các “kịch bản” tương tác giữa người và người. Con người ngày càng tầm thường và sống giữa những cá nhân tầm thường trong một vòng xoay cuộc sống lặp đi lặp lại.
Vài ví dụ về hiện tượng McDonald’s hóa trong xây dựng đô thị
Những không gian giống hệt nhau, được thiết kế, thi công như một sản phẩm công nghiệp, đó là minh họa về hiện tượng McDonald’s hóa trong xây dựng đô thị. Nếu Le Corbusier ví von “ngôi nhà như một cỗ máy để sống” thì xưởng lắp ráp hàng loạt đầu tiên theo phong cách McDonald’s hóa có lẽ là là Levittown, khu nhà ở thuộc Long Island, Mỹ xây vào khoảng năm 1950. Lúc này sau thế chiến thứ 2, nước Mỹ cần một lượng nhà lớn cho những quân nhân xuất ngũ, nắm bắt được nhu cầu đó, công ty của ba cha con Levitt & Sons đã làm một cuộc cách mạng trong xây dựng nhà ở đô thị. Công ty chia quy trình xây dựng ra làm 27 bước và mỗi đội chuyên trách một bước và lặp đi lặp lại khắp các công trình. Công nhân được trả lương không theo thời gian mà theo đơn vị công việc. Vật liệu được chế biến tại chỗ, thậm chí họ mua và chặt luôn cánh rừng bên cạnh để chuyển thành vật tư. Kết quả là hơn 17000 căn nhà được xây dựng, giá thành thi công hạ thấp hơn các đối thủ cạnh tranh 1500USD, nhưng vẫn giữ mức lãi 1000USD/căn (Tạp chí kinh doanh). Sau thành công đó thì rất nhiều công ty xây dựng áp dụng theo mô hình quản lý hàng loạt của Levittown. Một mô hình thi công như trong một công xưởng sản xuất công nghiệp, mà những người thợ thay vì làm việc trên băng truyền sản xuất, lại di chuyển thứ tự lần lượt qua từng những sản phẩm-ngôi nhà để thao tác lặp lại.
Không có khu thương mại dịch vụ hay trung tâm văn hóa, trong con mắt của những nhà phê bình thì Levittown là khu ở ảm đạm và đồng hóa con người. Tuy nhiên cư dân ở đây cũng vẫn phát triển bình thường, có thể do những cảnh báo của những nhà lý luận phê bình đô thị, những người dân đã tích cực tân trang và mở rộng những ngôi nhà của mình cũng như tổ chức các festival, sự kiện để chứng minh rằng mình vẫn là một cộng đồng phát triển.
Một hiện tượng nữa cũng liên quan trực tiếp đến McDonald’s hóa trong xây dựng là sự ra đời của hiện tượng nhà McMansion. Khi những vụ bạo động ở các đô thị lớn của Mỹ xảy ra ngày càng thường xuyên và các vùng ngoại ô có thương mại phát triển, người dân có xu hướng chuyển ra ngoài rìa thành phố để kiếm chỗ “an cư lạc nghiệp”. McMansion là cụm từ thường sử dụng những năm 80-90 ở Mỹ, để chỉ những ngôi nhà nhạt nhẽo, kiến trúc không có gì đặc sắc ngoài việc to qua khổ được xây ở ngoại ô. Chúng có thể xuất hiện ở bất kỳ khu ngoại ô nào, không mang đặc điểm kiến trúc địa phương mà hỗn độn nhiều phong cách và cái tên McMansion được sử dụng do liên tưởng tới một loại bánh sandwich nào đó của McDonald, để nói lên đặc điểm sản xuất hàng loạt và thiếu những điểm đặc sắc hay chất lượng của sản phẩm.
Nhà McMansion thường dành cho tầng lớp trung lưu kha khá. Những người thuộc tầng lớp thấp hơn thì không có khả năng sở hữu chúng, còn tầng lớp thượng lưu sẽ tìm đến những căn nhà chất lượng hơn. Diện tích mỗi căn nhà là khá lớn từ 200-400m2 cho một hộ gia đình cơ bản, hay thậm chí chỉ có 2 vợ chồng.
Hai ví dụ trên cũng như một vài câu chuyện khác về cách xây dựng đô thị số lượng lớn của Mỹ đều cho thấy ưu điểm của việc áp dụng mô hình McDonald’s hóa trong phát triển đô thị. Số lượng nhà nhanh chóng được nhân lên, đáp ứng nhu cầu của người dân mong muốn sở hữu một ngôi nhà, đồng thời cung cấp môi trường sống thoáng và vệ sinh hơn cho những người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, nét tiêu cực của chúng là sự phát triển lan tỏa ở ngoại ô và dẫn đến bùng nổ nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Điều này cũng làm xa cách thêm mối quan hệ giữa những thành viên trong cộng đồng khi buổi sáng của mỗi bắt đầu với việc ngồi trên ô tô ra khỏi gara và kết thúc là quay trở vào gara vào buổi tối. Thương mại và các trung tâm văn hóa không có mặt trong không gian cộng đồng địa phương và không thể tiếp cận bằng đi bộ. Cảnh quan kiến trúc cũng giống hệt nhau từ trong nhà ra đến ngoài đô thị, chi phí thiết kế được tiết kiệm do sử dụng các mẫu nhà, mẫu đô thị có sẵn như một khuôn đúc không gian.
Chính vì thế mà vào cuối thế kỷ 20, phong trào Chủ nghĩa Đô thị mới New Urbanism xuất hiện như một lời kêu gọi xây dựng những không gian đô thị giàu tính biểu cảm hơn với việc trộn lẫn chức năng thương mại, ở và làm việc. Đi bộ trong nội bộ khu là hướng phát triển quan trọng để gia tăng các mối quan hệ tương tác trong cộng đồng địa phương và tạo nên giá trị bản sắc của địa phương đó. Mặc dù những nguyên tắc của New Urbanism rất được tán thưởng và ứng dụng để thiết kế ra những cộng đồng thành công, nhưng chính những thử nghiệm thành công cũng được nhân lên và có nguy cơ trở thành một trào lưu Mcdonald’s hóa khác trong thiết kế đô thị.
Mcdonald’s hóa dẫn đến một xã hội hàng loạt, đồng nhất và tầm thường. Nó đáp ứng được nhu cầu phục vụ cho số lượng lớn những lại dẫn tới triệt tiêu sự đa dạng và sáng tạo. Tính hiệu quả, khả năng dự báo hay kiểm soát không phải những căn cứ đầy đủ trong việc xây dựng những môi trường xã hội lành mạnh và phát triển, nơi con người sống với nhau có ý nghĩa hơn.
Thời đại này chúng ta nói quá nhiều tới những con số, cũng như Saint-Exupéry đã viết trong Hoàng tử bé “Người lớn rất thích những con số, Khi bạn nói chuyện với họ về một người bạn mới. Không bao giờ họ hỏi bạn về những điều cốt yếu đâu (Họ chỉ hỏi về những con số) Thế đấy, sau đó họ cho vậy là đã hiểu hắn ta rồi”
(*) George Ritzer – The McDonaldization of Society
McDonald’s chưa phổ biến ở Việt Nam, chắc hãng này nghĩ rằng khó đấu với phở, bún, miến và vô số đồ ăn vặt ở vỉa hè của Việt Nam. Người Việt Nam vụn vặt, tủn mủn nên những thứ “vặt” của Việt Nam nhiều lắm. Tuy nhiên, những thứ gọi là đồ ‘sẵn’ hay đồ ăn nhanh của Việt Nam không đc sản xuất bài bản như McDonald’s.
Thị trường nhà đất cũng vậy… Do việc tăng dân số, và sức ép của việc tăng dân số đô thị, cũng như yêu cầu tắc đột xuất về số lượng – như bạn nói do cựu binh hậu chiến về – nên xây nhà nhanh, nhà ở sẵn ra đời. Nhưng thị trường bất động sản Việt Nam là cộng của nhiều sự tệ hại cùng một lúc..
Dẫu sao tiền cũng đã đổ vào đó… Không thể đảo ngược quá trình – để những khối bê tông vô tri kia quay trở thành lại những tờ VNĐ. Cơ sở hạ tầng, dù lệch lạc – toàn nhà ở chứ không có các công trình phụ cận – cũng đã được xây dựng rồi, giờ biến chúng thành thứ có ích. Những thanh niên trẻ, vợ chồng trẻ rất muốn có không gian riêng. Nơi họ được tự do làm những điều mình thích.
Người ta có tệ một chút… Nhưng chúng tôi không tệ được bằng người ta.
“Người ta có tệ một chút… Nhưng chúng tôi không tệ được bằng người ta” đọc câu này nghe bùi ngùi quá, cảm giác như niềm tin trong xã hội cạn kiệt hết rồi
Nếu tách ‘niềm tin xã hội’ ra thành các niềm tin nhỏ hơn như: niềm tin tôn giáo, tin con người, tin vào những điều tốt đẹp… Thì niềm tin vào chế độ không còn nhiều.
Người Việt Nam đang ‘lẩn trốn’ tinh thần trong các niềm tin nhỏ khác. Và hiện đang cố tìm một niềm tin lớn mới, khả dĩ hơn. Trước đây niễm tin đã bị Mcdonaldization (có lẽ gọi theo tiếng ta là: mắc-đô-nan hóa)… Giờ niềm tin chung xếp lại, nhường chỗ cho những niềm vui nho nhỏ hàng ngày. Có khi thế mới là văn minh.