Ghi chép về tiếp cận nghiên cứu không gian công cộng đô thị

I. Ghi chép 1

Đọc bài phỏng vấn Annette Kim, giáo sư đô thị học và quy hoạch tại MIT có một điểm khá lý thú nói rằng qua nghiên cứu của Kim và cộng sự có khảo sát và nhận thấy “các du khách đến Việt Nam nhận xét rằng đi bộ trên vỉa hè là phần thú vị nhất”. Phải nói rằng đô thị Việt Nam có đặc điểm mà phương Tây mơ ước, đó là sự đa dạng hoạt động trong không gian công cộng. Mang lại một cuộc sống đô thị phong phú, lạ lẫm trong con mắt người nước ngoài.

Hãy xem một series ảnh trên trang facebook của những người yêu Hà Nội, vẫn là các gánh hàng hoa, những chiếc xe đạp cọc cạch qua cầu Long Biên hay những nón lá cặm cụi mưu sinh giữa dòng đời tấp nập. Như những khoảng tĩnh vừa đủ cho bức tranh đô thị ồn ào náo nhiệt.

Nhưng đó là trên các bức ảnh, hay trong con mắt quan sát của khách du lịch. Còn với những người gắn bó lâu dài với không gian đó thì mọi thứ không chỉ có màu hồng. Sự đa đạng cuộc sống ngoài kia – trong không gian công cộng – đến từ mức độ tập trung dân cư quá cao và cấu trúc hỗn loạn không ổn định. Một cuộc chiến giữa các chức năng, giữa những người sử dụng để tranh giành quyền mưu sinh trên một không gian hạn chế.
Người dân có thể bị stress vì không gian công cộng, nhưng lại thu hút các nhà nghiên cứu.Trong câu chuyện này thì cái nhìn phân tích duy lý của các nhà khoa học cũng bắt gặp sự đồng điệu thú vị với cặp mắt quan sát cảm tính của khách du lịch. Xung đột và chia sẻ đã trở thành đề tài nóng trong không gian công cộng Việt Nam, xung đột đến mức trật tự đô thị đánh chết người bán hàng rong đã trở thành truyện thời sự trên khắp mặt báo, gây phẫn nộ dư luận. Còn chia sẻ, cũng rất nhiều hiện tượng có thể quan sát được, chia sẻ không gian, chia sẻ thời gian, chia sẻ lợi nhuận. Một xã hội đang vận động ngoài vỉa hè trong một không gian mà mà “lệ” nhiều hơn “luật”. Câu chuyện xung đột và chia sẻ ở Việt Nam là đề tài vừa cũ kỹ lại vừa mới lạ. Một xã hội phương đông đang toàn cầu hóa, một nước xã hội chủ nghĩa đang mở cửa, một điểm nóng dân số đang trải qua những bước đầu tiên của đô thị hóa,… công cộng một lĩnh vực màu mỡ cho các nghiên cứu phát triển.

II. Ghi chép 2
Mở rộng câu chuyện thì lĩnh vực công cộng trong nghiên cứu đô thị vốn chống chéo nhiều cách tiếp cận. Công cộng xuất phát từ quan niệm của cá nhân, của tập thể và của xã hội về tính sở hữu cá nhân. Hơn nữa tư duy về cá nhân hay công cộng lại còn phụ thuộc vào tâm thức Phương Đông hay Phương Tây khác nhau, vì vậy không đơn giản khi áp dụng những quan niệm, những lý thuyết phương Tây vào trong xã hội Phương Đông thời kỳ toàn cầu hóa. Trong nghiên cứu của mình tại vỉa hè Sài gòn, Annette Kim hy vọng sẽ nghiên cứu điều tra để tính toán xác lập lại quyền sử dụng không gian công cộng nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế. Một đề tài tiếp cận từ thực địa, nghiên cứu hành vi dân địa phương, đồng thời xem xét cả về các khái niệm và yếu tố chính trị, kinh tế. Cách làm việc này thường gặp trong các nghiên cứu lĩnh vực công cộng quốc tế khi trong quá trình nghiên cứu phải so sánh nhiều cách tiếp cận ít nhất là trong phần tổng quan tài liệu để xây dựng một framework nghiên cứu thích hợp.

Phần lớn các báo cáo khoa học xã hội xuất bản ở Việt Nam thường thiếu phần xem xét tổng quan tài liệu (literature review) vốn được dùng làm nền tảng cho các đề tài nghiên cứu. Các đề tài nghiên cứu thường là các vấn đề cá biệt của xã hội Việt Nam nhưng ít khi được đặt trong khung cảnh kiến thức chung của xã hội học. Các nghiên cứu xã hội ở Việt Nam cũng thường ít sử dụng lý thuyết (theory) hay các hệ qui chiếu quan điểm (research paradigm) trong quan sát và phân tích nên thường không đi xa hơn việc mô tả (description) sự kiện thực tế, nhưng chưa đi đến trình độ giải thích (explain) thực tế bằng kiểm chứng giải thuyết (hypothes is testing) hay bằng lý thuyết. Trích Bùi Ngọc Hoàn – Nghiên cứu xã hội học ở Việt Nam

Thông thường thì khi nghiên cứu không gian công cộng đô thị là sự tổ hợp cách tiếp cận từ các khía cạnh sau: không gian vật thể, khía cạnh kinh tế, khía cạnh chính trị – chính sách và khía cạnh xã hội.
Đô thị dù cách hiểu là một “cỗ máy” hay một “hệ thống chức năng hoạt động và người dân ràng buộc tương tác với nhau” (xem thêm Quy hoạch đô thị là gì) thì xây dựng đô thị cũng là xây dựng môi trường sống vật chất của con người, vì thế tiếp cận từ không gian vật thể là trực quan nhất, hợp lý nhất khi xem xét các vấn đề của đô thị. Tiếp cận từ không gian vật thể, hay không gian công cộng (public space) thường đi vào phân tích các chức năng là tự phát hay thiết kế, những nhóm người sử dụng chức năng và mối liên hệ của họ. Không gian công cộng trong đô thị thường là đường phố, công viên quảng trường và các công trình chức năng công cộng. Mặc dù không gian công cộng đều cố hướng tới nguyên lý “dành cho tất cả mọi người” có thể đến để phát huy tính đa dạng sử dụng nhưng sự thực thì điều đó chỉ là đích đến không tưởng. Không gian công cộng bị kiểm soát bởi những quy tắc xã hội có quan hệ ảnh hưởng bởi những điều luật quy định. Cũng có những không gian “bán công cộng” như khách sạn nhà hàng cửa hiệu do đặc điểm hoạt động và sở hữu không gian tại đó.

Tiếp cận từ khía cạnh chính trị
Khía cạnh chính trị liên quan đến không gian trừu tượng hơn khi cá nhân đến với nhau để định hình ý kiến, xây dựng đồng thuận và theo đuổi mục tiêu chung. Từ đó không gian công cộng thể hiện rõ mối quan hệ của Nhà nước và Xã hội dân sự. Trong các thể chế dân chủ nhà nước được bầu ra đại diện cho đa số người dân và nắm trong tay các quyền lực tối cao để quản lý không gian công cộng và cưỡng chế không gian vật thể. Tuy nhiên do cấu trúc không hoàn hảo của chính sách từ trung ương xuống địa phương và góc nhìn chủ quan bị giới hạn bởi nguyên tắc hành chính, dẫn đến nhu cầu bổ sung ý kiến phản biện của các tổ chức dân sự địa phương. Jurgen Habermas đã sử dụng thuật ngữ public sphere (không gian công cộng, môi trường công cộng) như một không gian bất kỳ cá nhân nào cũng có thể tham gia chính trị bằng cách đối thoại để vượt qua lợi ích đặc thù hướng tới sự đồng thuận giữa những người có thiện chí. Không gian công cộng đóng vai trò trung gian giữa xã hội dân sự và nhà nước, buộc Nhà nước phải chịu trách nhiệm trước xã hội do “tính công cộng” của nó.

Một ví dụ đã khảo sát trong bài viết trước về Quận nghệ thuật 798 (VD1) hay Guillotiere Khu phố đa sắc dân (VD2), khi chính sách của thành phố vấp phải sự phản đối của các tổ chức địa phương, chính quyền đã phải ngồi lại tìm tiếng nói đồng thuận với khối liên hiệp địa phương (VD1+VD2) qua nhiều phiên họp dưới sự điều hành của một trung gian thứ ba (VD2) để đảm bảo tính minh bạch và khả thi.

Tiếp cận từ kinh tế
Các tiếp cận này liên quan nhiều đến quyền sở hữu và tính chất cá nhân/ công cộng của tài sản. Nói chung có thể xem xét qua các khái niệm cơ bản của kinh tế công cộng như Hàng hóa công, Tài chính công và Thị trường. Hàng hóa công cộng là những hàng hóa đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhiều người, không có tính cạnh tranh hoặc loại trừ (hoặc gần được như vậy), Tài chính công liên quan đến các chính sách thuế để quản lý điều tiết hàng hóa công và chính sách phúc lợi.

Tiếp cận xã hội:
Như Henri Lefebvre đã tổng kết Không gian là sản phẩm xã hội, nên việc khảo sát tính xã hội của một không gian công cộng đô thị nào đó sẽ đưa ra những lời giải thích từ bản sắc và cấu trúc của xã hội đó. Điều này đồng nghĩa với việc nghiên cứu những hành vi trong cuộc sống thường ngày sẽ chỉ ra những nét văn hóa của nhóm người hay dân cư đô thị. Nếu như trong cách tiếp cận không gian công cộng vật thể, cách tiếp cận cơ cấu- chức năng (structural-functional approach) chiếm ưu thế thì trong cách tiếp cận này, thuyết tương tác biểu trưng (symbolic interactionism) của Herbert Blumer thường được lấy làm cơ sở.

Trên đây là những phác thảo nằm trong giới hạn hiểu biết của tôi, tất nhiên là nghiên cứu về không gian công cộng hay lĩnh vực công cộng trong đô thị học còn rất nhiều các nội dung và phương pháp khác đã có và sẽ phát triển. Tuy nhiên cách tiếp cận bằng cách tổ hợp 4 khía cạnh nêu trên sẽ giúp quan sát và phân tích không gian công cộng đô thị sâu sắc và toàn diện hơn: để tìm ra những lý thuyết mới thích hợp và so sánh các khái niệm đã có về không gian công cộng đô thị Việt Nam.

Advertisement

One comment

  1. […] I. Ghi chép 1 Đọc bài phỏng vấn Annette Kim, giáo sư đô thị học và quy hoạch tại MIT có một điểm khá lý thú nói rằng qua nghiên cứu của Kim và cộng sự có khảo sát và nhận thấy "các du khách đến Việ…  […]

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: