(Reblog from Dothiblog 2013)
Mùa xuân năm 2013, sau dự án cải tạo bờ kè sông Rhone, mọi người đổ xô đến nơi đây sau giờ hành chính. Có lẽ nói tất cả mọi người thì không chính xác, vì thành phố còn rất nhiều chỗ công cộng khác để đến, tuy nhiên bãi cỏ dọc bờ sông khi xuân về đông kín người, hệt như bãi biển Việt Nam mùa hè. Không gian nhộn nhịp nhưng không ồn ào của những người dân thành phố lâu ngày mới được tắm nắng, bronzé da dẻ và tăng cường vitamin D. Họ đến đây tắm nắng, chơi thể thao, tán chuyện và làm đủ thứ họ muốn. Và thành phố thì cung cấp một không gian cùng các tiện nghi, trang thiết bị công cộng cho họ có thể làm những gì họ thích. Một bãi cỏ trải dài cho những ai thích ngồi sưởi nắng và quây quần ăn uống. Một sân chơi lòng chảo cho những bạn trẻ thích trượt patin hay đi xe đạp lòng máng, xà đơn xà kép cho dân “sáu múi”. Hồ nước cạn và vòi phun nước bắn dựng đứng 3 m cho trẻ con lội bì bõm và nghịch nước và tạo cảnh quan. Đường xe đạp dọc sông cho những người thích đạp xe vãn cảnh. Đường đi bộ lát gỗ và hàng cây cao vút là nơi lý tưởng đi dạo ven sông. Một dài đất nhỏ được chuyển thành terrasse (khoanh đất dành riêng) kê những bàn cafe cho những ai thích ngồi quán tán chuyện. Có cả bậc thang đá chạy giật cấp để mọi người ngồi yên ngắm trời, ngắm sông, ngắm thiên nga, nhà cửa và … ngắm nhau. Ngoài ra tiêu chuẩn về thùng rác, nhà vệ sinh, vòi nước sạch và cả đoạn dốc cho người tàn tật đều đầy đủ. Một không gian lý tưởng được tạo ra cho người dân đến chơi và … “tương tác”.
Từ “tương tác” tôi sử dụng có thể không hợp với văn phong đoạn mô tả bức tranh sinh động không gian bở sông ở trên, nhưng đó là mục đích mà những nhà thiết kế đô thị muốn đạt được trong dự án chỉnh trang khu vực này cách đây vài năm. Mục đích họ đặt ra là không gian này càng có nhiều công năng sử dụng càng tốt, nhiều tương tác giữa mọi ngươi ở đây càng hiệu quả. Chơi, chạy, nhảy mọi hình thức phía trên đó là hoạt động công năng, còn cái “tương tác” có thể hiểu đơn giản là giao tiếp bằng lời nói, cử chỉ, là lăng nghe và nhìn thấy người khác đang hoạt động. Trong nguyên tắc thiết kế công cộng phương tây, “quan sát” là một hành vi của người sử dụng được các nhà thiết kế rất lưu tâm và ưu tiên khi xây dựng. Không gian nào cũng có nhiều vị trí để ngồi ngắm cảnh quan và đặc biệt là ngồi xem người khác hoạt động. Một góc xéo của ngã ba nho nhỏ cũng có những ghế ngồi hay bậc tam cấp cho ai có nhu cầu nhìn ngó người khác đang hối hả lại qua. Có người nhận xét rằng cái chốn công cộng ở nơi đây kém nhộn nhịp sầm uất đúng “như những củ khoai tây rời rạc”, khi họ hạn chế nói chuyện với nhau hay đặc biệt là hạn chế đứng gần nhau trong khả năng có thể. Nhưng đừng tưởng đó là sự thờ ơ lạnh nhạt và mang lại sự buồn tẻ cho không gian công cộng. Chỉ quan sát, không quá hiếu kỳ, không bàn luận, không lên tiếng, đó là môi trường tốt nhất cho các nghệ sỹ đường phố không chuyên biểu diễn những tiết mục tạp kỹ của mình, giúp cho các em nhỏ thoải mái chơi, đùa, nghịch, ngã, giúp cho bồ câu, thiên nga thoải mái bay nhảy lặn ngụp kiếm ăn… Còn với những người quan sát, điều đó giúp cho mỗi người cảm thấy mình có một góc riêng giữa không gian công cộng này, và khi ai cũng có một góc như thế, công bằng- giống nhau thì không gian tưởng chừng rời rạc lại trở thành một khối thống nhất.
Còn đối với không gian công cộng Việt Nam chúng ta thì sao? Chỗ ngồi và hành vi quan sát có được tính vào trong thiết kế các không gian công cộng như quảng trường, công viên, bờ sông, bờ hồ hay không? Rất nhiều người nước ngoài sang Việt Nam và ca cẩm rằng hầu như những bãi cỏ, bụi cây nào ở Việt Nam cũng đều có bảng cấm đi lên cỏ, mặc dù trông chúng khá bình thường và ít được chăm sóc. Điều này làm hạn chế rất nhiều diện tích cho người dân, khách du lịch có thể ngồi thẳng xuống những thảm cỏ như vậy trong các không gian công cộng. Có vô vàn cách để biện minh cho những bãi cỏ được bảo vệ, nào là do ý thức người dân, do khí hậu ẩm ướt, do điều kiện duy trì bảo dưỡng và năng lực quản lý. Lý do nào cũng không sai, tuy nhiên việc hạn chế diện tích thảm cỏ xanh này để bảo vệ cây xanh cũng ảnh hưởng trực tiếp đến mục đích tái tạo mối liên hệ giữa con người và tự nhiên trong những không gian công cộng. Đô thị đã quá nhiều sắt thép xi măng và con người, cơ hội cho người dân tiếp cận thiên nhiên là rất ít. Và có vẻ như sự ức chế thiếu thốn thiên nhiên đã trở thành hành vi thèm khát thiên nhiên đến mức báo động như những nạn bứt hoa bẻ cành ở những lễ hội tết hàng năm.
Ừ thì vì số dân đông và bảo vệ môi trường nên thôi mọi người chịu khó tránh xa những bãi cỏ, vẫn có nhiều ghế đá công viên cho những người muốn ngồi im và quan sát mọi người. Mặc dù số ghế đó thường chẳng bao giờ đủ về số lượng và chất lượng, nhưng trong tinh thần đọc được trên các tiêu chuẩn thì những chiếc ghế đó chỉ dành cho những người đi bô, chạy bộ và chơi thể thao ngồi nghỉ mà thôi. Có thể tham khảo trong các Tiêu chuẩn đánh giá công viên văn hóa trong các đô thị lớn đều thấy kê khai hạng mục “bảo vệ thảm cỏ không bị chiếm dụng” và “bố trí ghế đá để nghỉ chân”. Cụm tính từ “để nghỉ chân” đã phần nào hạn chế bớt chức năng của những chiếc ghế đá, làm giảm số lượng cần thiết và phần nào tách biệt nó với những tiện nghi khác trong công cộng. Trong khi đó, những ghế đá và chỗ ngồi tốt mở ra rất nhiều hoạt động hấp dẫn trong không gian công cộng như ăn, đọc sách, chơi, học bài, đánh cờ, tắm nắng …
Có lẽ vì lý do đó mà chúng ta vào công viên chỉ để thể dục thể thao, đi lại vươn thở, còn khi có thời gian và có nhu cầu quan sát, hóng gió thì chúng ta ra vỉa hè. Những quán cà phê vỉa hè, những quán nước đầu ngõ hay trào lưu trà chanh mới nổi của người trẻ tuổi bên cạnh chức năng là “diễn đàn buôn chuyện” trong thực tế cũng phục vụ một phần cho nhu cầu “ngồi im ngắm thiên hạ” của mọi người. Không bàn ghế kiểu cách, không phục vụ xinh đẹp, chỉ có còi xe, bụi đường và dòng người qua lại cùng ly cafe thơm phức cũng đủ giúp chúng ta thưởng thức một không gian đô thị mỗi khi rảnh rỗi.
Một ví dụ khác không kém phần sinh động về nhu cầu “ngồi quan sát” và sự thiếu hụt các tiện nghi đáp ứng ở đô thị Việt Nam là hình ảnh những đôi bạn trẻ nam nữ ngồi tâm tình trên xe máy của mình tại một góc nhỏ trong không gian công cộng. Đường phố, bờ sông, bờ hồ vào những buổi chiều đẹp trời hay buổi tối dễ dàng bắt gặp những chiếc xe máy dựng chân chống giữa để trở thành ghế đá di động cho các cặp tình nhân. Họ đỗ xe san sát nhau, cười nói, tâm tình, thủ thỉ, họ nhìn ra hồ, nhìn ra sông nhìn ra đường đông đúc mù mịt hoặc … nhìn ra bức tường tối thui.
Nói tóm lại, đoạn ghi chép này không đi vào phân tích cụ thể mà chỉ rút ra những cái nhìn so sánh dễ nhận biết nhất về sự thiếu sót lưu tâm đến công năng sử dụng và hoạt động của người dân trong không gian công cộng. Chúng ta vẫn thường kết luận không gian công cộng Việt Nam vừa thiếu vừa yếu, nhưng sự nhạt nhẽo thiếu hấp dẫn xảy ra cả với các dự án chỉnh trang, các khu đô thị mới, khi những quy chuẩn xây dựng và quy hoạch được áp dụng đầy đủ. Vì vậy chúng ta cần những nghiên cứu sâu sắc hơn về hành vi và nhu cầu của người dân để bố trí tiện nghi công năng đáp ứng cho phù hợp. Cần thay đổi ngay từ trong tâm thức hướng tơi những hành vi đương đại của người dân, đưa những hành vi và nhu cầu đó làm đối tượng chính để thiết kế và quản lý không gian hơn là những định hướng và chỉ tiêu chỉ mang tính tối thiểu và lạc hậu.
[…] Tản mạn về mấy ghế đá thảm cỏ trong không gian công cộng. […]
Chỉ đề nghị hai từ Việt Nam – tên nước – gần cuối bài viết in (hoa) một chút thôi.
rất cảm ơn bạn, mình đã sửa ngay lập tức
Mình rất thích bài viết này đặc biệt ở cách bạn quan sát giữa việc thiết kế công viên nhằm tạo ra sự tương tác giữa con người với môi trường ở đó. Đúng là qua những nước châu âu mới thấy họ thiết kế các dịch vụ công cộng từ xe bus cho tới công viên đều cân nhắc rất kỹ mục đích sử dụng và cách sử dụng cho hầu hết các đối tượng liên quan. Ở phần lan, khi người già, trẻ em hay phụ nữ mang thai lên xe bus, tài xế chú ý nhấn nút nghiêng xe thấp xuống đê họ lên dễ hơn. trên xe cũng có hai – ba hệ thống nút bấm dành cho người thưong, người tàn tật và xe đẩy cho trẻ em… Ở Việt Nam chắc cần cả một sự thay đổi hệ thống từ giáo dục, chính trị xã hội đối với những vấn đề chúng ta đang gặp phải không chỉ ở riêng mặt thiết kế các công trình công cộng. Hi vọng vào tương lai…
Cảm ơn bạn,
Vấn để bạn nêu ra đúng là chất lượng trong thiết kế công cộng, nơi mà yêu cầu phải phục vụ công bằng cho mọi người sử dụng.
Chất lượng phục vụ của hệ thống công cộng thì còn khác nhau vì nhiều lý do, trong đó có một lý do về quan niệm của nhà quản lý (gần giống những ví dụ trong bài viết trên). VN mới đang quan niệm “bình đẳng” trong thiết kế công cộng là đối xử như nhau với mọi người, trong khi quan niệm như bạn ví dụ về hệ thống công cộng Phần lan thì “bình đẳng” là tạo cơ hội cho những người yếu thế nhất được tham gia giao thông ở mức tương đương với người khỏe mạnh.
Từ hai cách suy nghĩ đã có hai chất lượng phục vụ khác nhau.
[…] https://dothiblog.wordpress.com/2014/01/05/tan-man-ve-may-ghe-da-tham-co-trong-khong-gian-cong-cong/ […]