Ghi chép về chủ nghĩa Marxism trong nghiên cứu đô thị

“Paris change! mais rien dans ma mélancolie”

Câu thơ luôn ám ảnh tôi một cách lạ kỳ khi nghĩ đến thành phố hoa lệ này. Tôi chẳng có nhiều quá khứ ở Paris, chẳng có gì níu chân tôi nơi đó ngoài những hoài niệm đẹp đẽ thoáng qua, để rồi lại man mác buồn buồn mỗi khi nhớ đến. Những cây cầu, lang thang dưới mưa Champs Elysées, người tình, phiên chợ Noel muộn ở La Defense, qua đêm bên rìa đường băng của Charles De gaule, những viện bảo tàng, những tên móc túi, một kẻ điên với con dao trên RER .v.v. đó là những thước phim vụt qua trong vài giây về Paris trong ký ức. Tôi vẫn mong vài chục năm sau quay lại để đi giữa Paris, để sống lại những hình ảnh tuyệt vời của riêng mình nơi đây, để có dịp so sánh với câu thơ mang đầy hoài niệm của Beaudelaire trên kia. Đến giờ thì Paris của tôi vẫn còn gượng gạo và nhỏ bé so với những hình ảnh Paris sống động qua những trang sách tôi đọc. Một Paris tuyệt đẹp, lãng mạn và ngập tràn ánh sáng văn hóa gom góp từ những phận người lịch sử. Một Paris đan xen giữa những không gian tuyệt vời nhất với đa tầng văn hóa và lối sống, thức thời nhất đến đau khổ nhất. Paris xuất hiện đầy rẫy qua những tác phẩm nghệ thuật giá trị nhất, nó là bối cảnh hay đôi khi là đối tượng chính cho những rung cảm của những người nghệ sỹ và khai sáng dựng lên những câu chuyện của nhân loại.

chủ nghĩa marism nghiên cứu đô thị

Source: birdslaughter.wordpress.com

Khi tôi viết những dòng tự sự về Paris thì cũng vừa được tin cuốn sách The Society of Spectacle của Guy Debord sắp được dịch ra tiếng việt với tên gọi Xã hội diễn cảnh. Một chút tình cờ khiến tôi nảy ra ý định đánh một đường vòng lớn từ chủ đề tình cảm với Paris quay trở về nội dung chính của blog này là thảo luận về nghiên cứu đô thị. Guy Debord là “chuyên gia” tạo cảm hứng cho nghệ thuật mới và thậm chí cảm hứng cho cả những ngành nghiên cứu mới với những phá cách “bất tử” của mình. Vay mượn một chút tư tưởng xê dịch của ông trong cái blog nhỏ nhoi này, dù không tinh tế lắm nhưng cũng thỏa mãn chút chút cái cảm xúc của người viết để tiếp tục ghi chép.

Guy Debord chắc chắn cũng là một người yêu Paris, mảnh đất nơi ông sinh ra, và là một nhà mác xít (Marxist), cả lý luận và thực tiễn. Đó là hai trong số rất nhiều khía cạnh mà người ta thấy ở Debord, một kẻ đi lang thang ở Paris rồi khoác lên hành động đó một “lý thuyết” về xê dịch, một gã lười biếng kiên quyết, cả đời không chịu làm việc “ne travaillez jamais” cho đến khi tự sát, một người luôn đi đầu trong những cuộc tuần hành, trong các phong trào tiền phong thập niên 60 như  trào lưu Situationism (thuyết tình huống) Lettism (thuyết duy tự/ âm chữ?) hay tham gia khởi xướng cách tiếp cận Địa-tâm lý (Psyo-geography) trong nghiên cứu đô thị.

Yêu Paris và theo chủ nghĩa Marx hai biểu hiện chẳng liên quan đến nhau, ấy thế mà trong quá trình ngồi đọc tài liệu về đô thị, tôi đã bắt gặp ít nhất là 3,4 tác gia khác tương tự. Trong các cuốn sách của họ, những gì quan sát ở Paris cộng vơi những ký ức ngọt ngào ngập tràn trong nỗi ưu tư mélancolie thôi thúc họ viết, phân tích, vận dụng từ chủ nghĩa Marx để giải thích để trở thành những cuốn sách kinh điển mà The Society of Spectacle là một ví dụ điển hình. Họ là ai, là Walter Benjamin, Henry Lefebvre, David Harvey, và có lẽ còn nhiều cái tên nữa mà tôi chưa biết hết. Những con người này đã tiếp nối tinh thần chủ nghĩa Marx trong những nghiên cứu của mình qua những câu chuyện xã hội tư bản hậu hiện đại để xây dựng những giá trị mới trong lý luận đô thị.

Chủ nghĩa Marx trong nghiên cứu đô thị là một cách tiếp khá hữu hiệu để giải thích sự phát triển các thành phố, tiến trình xây dựng môi trường nhân tạo và cuộc sống của người dân bằng những quy luật kinh tế- chính trị. Tất nhiên mỗi nhà lý luận lại có một cách giải thích khác nhau và thêm vào rất nhiều những khái niệm mới để theo kịp thời đại, để hoàn thành những lý luận cho riêng mình, thậm chí còn tách mình ra khỏi ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx, nhưng họ có cùng chung điểm xuất phát là nền tảng hệ thống học thuyết về triết học và kinh tế chính trị mà Karl Marx xây dựng từ thế kỷ 19.

Trở lại sách giáo khoa về chủ nghĩa Marx một chút thì có vẻ như Marx không quan tâm nhiều đến đô thị, đô thị chỉ là bối cảnh trong đó mâu thuẫn giai cấp diễn ra. Nhưng người bạn đồng hành của ông Frederick Engels thì có những bài luận cơ bản nhất về xã hội học đô thị và phát triển đô thị như The condition of the working class in England năm 1845 và The House Question năm 1872. Những hiện tượng như các khu ổ chuột ở các đô thị lớn, được Engels quan sát và phân tích bằng những quy luật cơ bản nhất của chủ nghĩa Marx. Hoặc quá trình phát triển đô thị có thể giải thích bằng nguyên nhân đơn giản là quá trình tích lũy vốn và giảm thiểu thời gian lưu thông. Sự khác biệt giữa đô thị và nông thôn và hiện tượng đô thị hóa được hiểu như sự phát triển thiếu công bằng nhằm tước đi tư liệu sản xuất (ruộng đất) của người lao động để đẩy họ vào các nhà máy, buộc họ bán sức lao động để tích lũy giá trị gia tăng cho giai cấp tư bản…
Cùng với sự thay đổi của chủ nghĩa tư bản trong suốt thế kỷ 20 thì những lý thuyết ban đầu của Marx và Engels chưa đủ để giúp lý giải xã hội tư bản thế kỷ 20 và hiện nay, đặc biệt sự vận động của các vùng đô thị, mối quan hệ giữa đô thị – nông thôn và cuộc sống đô thị. Đây chính là mảnh đất màu mỡ mà thế hệ các nhà nghiên cứu tiếp theo ở châu âu tập trung đào sâu nghiên cứu dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx.

Walter Benjamin có lẽ là nhà đô thị học Marx có số phận bi thảm nhất thế kỷ 20 và cũng là người có công đầu trong việc hướng các nhà nghiên cứu tiếp theo vào mảnh đất “hoang sơ” có cái tên “đô thị” trong chủ nghĩa Marx. Nếu nhìn góc độ khác Walter Benjamin là một nhà phê bình văn học, chịu ảnh hưởng của Franz Kafka, dịch Marcel Proust, phân tích tương đắc thơ Baudelaire, hay như ông tự xưng danh là nhà sử học duy vật lịch sử, một người cộng sản. Là người ghi chép rất nhiều, ngay ở trong tù cũng viết được hơn 3000 trang bản thảo, quan niệm của Benjamin cho rằng “những tác phẩm hoàn tất nhẹ ký hơn so với những mẩu đoạn mà nhà văn quần quật với nó cả đời”, sưu tầm, trích lục, ghi chú đã trở thành thói quen của ông, trở thành thủ pháp của ông, để hướng tới những tác phẩm chứa đầy những hình ảnh biện chứng giúp người đọc nhìn thấu bản chất một xã hội. The Arcades Project (Thương xá, hay Dự án Vòm) là một tác phẩm dở dang như vậy.

Cuốn sách mở đầu với tiêu đề Paris, Kinh đô của thế kỷ 19, với nội dung thực ra là những mẩu văn bản được sưu tầm rời rạc và những ghi chú chồng lên nhau của Benjamin để ghi lại một Paris vật chất lẫn tinh thần. Benjamin yêu Paris với sức sống tươi vui nơi đây, nhưng là một nhà marx, ông lên án nền kinh tế tàn nhẫn của nó, nơi những con người bị ru ngủ trong chủ nghĩa tư bản qua những tiện nghi lóng lánh. Từ hiện tượng “bái vật giáo” như Marx đã đưa ra trong Capital, khi những bản chất dối trá của tư bản được che mắt bởi quyền năng của tiền và của cải, Benjamin kể lại từng chi tiết những thứ của cải dối trá đó tồn tại trong các ô cửa hàng lộng lẫy ở Paris và bức tranh xã hội bị chúng chi phối ở xung quanh.  Arcades Project của Benjamin đã chiếu ánh sáng thâm nhập vào lớp màn che phủ cuộc sống thường ngày của đô thị tư bản.

 “Khi nói về các đại lộ nội vi,” theo Illustrated Guide to Paris, một bức tranh toàn cảnh về thành phố bên dòng sông Seine và những vùng lân cận của nó từ thời năm 1852, “chúng ta đã lần đi lần lại nhắc đến những ngõ vòm thông đến chúng. Những ngõ vòm này, một phát minh mới của tính xa hoa công nghiệp, là các hành lang mái ốp kính, chia ô đá hoa, kéo dài qua những khối nhà mà các chủ nhân của chúng hiệp đồng chia sẻ các hành lang ấy. Nằm dọc hai bên hành lang, nhận ánh sáng từ bên trên chiếu xuống, là các cửa hiệu thanh lịch nhất, tuồng như ngõ vòm là một thành phố, một thế giới trong bức tiểu họa {Người dạo phố}, mà ở đó khách hàng sẽ tìm thấy mọi thứ họ cần. Khi trời đổ cơn mưa rào bất chợt, những ngõ vòm trở thành nơi trú ngụ cho những ai không chuẩn bị trước, đem đến cho họ cuộc tản bộ bình yên, dù là hạn hẹp – một điều cũng giúp những người bán hàng hưởng lợi.” {Thời tiết}
Trên đây là đoạn cốt yếu nhằm giới thiệu những ngõ vòm; mà đã nói về những ngõ vòm, thì không chỉ những chuyện lan man về khách dạo phố hay tiết trời, mà ngay cả chuyện xây dựng ngõ vòm, ở trong một mạch kinh tế và kiến trúc, cũng cần được nhắc đến. [A1,1]

Đoạn trích trên là những ghi chép mở đầu của trong mục Arcades trích trong cuốn sách kia mà tôi copy từ blog Dejavous.net. Thực ra việc trích dẫn 1 đoạn ngắn này của tôi chẳng có mấy ý nghĩa vì không khác gì giựt 1 mẩu giấy ghi chú màu vàng trong cặp hồ sơ của Benjamin, hay lấy ra một con tem trong bộ sưu tập của ông để mang ra dẫn chứng trơ trọi. Nhưng Arcades là thế, một con tem rất bình dị được Benjamin lấy từ những tác giả khác nhưng khi đưa vào bộ sưu tập của mình thì bản thân nó lại soi sáng những con tem khác, cấu thành nên một tác phẩm văn học, một bức tranh xã hội, một bản báo cáo khoa học và một luận điểm triết học đầy đủ.

Walter Benjamin tự tử năm 1940 để lại một đống bản thảo dở dang và một định hướng gợi mở cho những người kế tiếp, lời kêu gọi những nhà phân tích đô thị marx hãy rời khỏi nhà máy để chuyển con mắt quan sát sang những cửa hàng cửa hiệu của chủ nghĩa tiêu thụ như chiếc mặt nạ của tư bản. Từ ngõ vòm Arcades, đến những năm 1960, một triết gia marx khác, đã đi sâu hơn vào cuộc sống hàng ngày của đô thị và mô tả xã hội tư bản qua “lý thuyết không gian” của riêng mình. Đã từng là tài xế taxi đi khắp Paris, Henri Lefebvre hưởng ứng lời kêu gọi của Benjamin tập trung vào đô thị chứ không chỉ chăm chăm vào công nghiệp, chuyển sang phân tích không gian ngoài đường phố hơn là trong nhà máy. Sự thống trị của hàng hóa và nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày đã trở thành một cách thức bóc lột mới của cuộc sống đô thị. Con người đô thị bị bóc lột và dắt mũi ngay cả khi đang hưởng thụ cuộc sống hàng ngày trong đô thị. Tác động vào cuộc sống hàng ngày cũng là một phương thức đấu tranh trong xã hội hiện đại. Những khái niệm và lý thuyết của Lefebvre (tôi đã có dịp lưu lại trong một ghi chép khác, mời tham khảo) đưa ra đã góp phần đưa những nhà nhân học trỗi dậy và trở thành tiếng nói đầy sức nặng trong các cuộc thảo luận xã hội ngày nay.

Rất nhiều ý tưởng của Henri Lefèbvre lấy cảm hứng từ những phong trào xã hội – chính trị vào cuối những năm 60, đầu 70 của thế kỷ 20 của những người theo chủ nghĩa Tình huống (Situationist) mà người đi đầu chính là Guy Debord, kẻ cầm sơn vẽ nguệch ngoạc lên tường ba chữ “Ne travaillez jamais” thành slogan của cuộc bạo động. Những thanh niên trẻ tuổi bồng bột xuống đường này còn là những nhà thơ, nhà văn, những nghệ sỹ tiền phong muốn phá tan những gì bó buộc của cuộc sống hàng ngày, của đô thị tư bản gò bó để “trí tưởng tượng lên nắm quyền”, để giành lại Paris cho họ. Năm 1967, Debord đã viết “The Society of the Spectacle” theo phong cách hoàn toàn Karl Marx để tố cáo xã hội tư bản, nơi mọi thứ đều bị hình ảnh hóa, hay bị biến thành diễn cảnh, thế giới ngoài kia không còn là thế giới của các đối tượng, đồ vật khách quan nữa mà là thế giới hình ảnh giả tạo do xã hội tư bản sinh ra. The Society of Spectacle như lời hiệu triệu của Debord kêu gọi tấn công vào các diễn cảnh đó dẫn đến cuộc xuống đường tháng 5 năm 1968. Graffity, biểu tình rồi bạo loạn, đốt xe, ném đá vào cảnh sát… Phong trào Tháng 5 năm 68 đả phá tất cả, tập tục, tôn giáo lẫn chính phủ, theo sau Guy Debord, người dân đã xuống đường chống lại vòng lặp tẻ nhạt métro-boulot-dodo của cuộc sống thường ngày.

Một nhà phân tích theo quan điểm marx khác nổi tiếng trong giới học thuật Anh mỹ đến tận ngày nay là David Harvey. Tôi biết đến David Harvey đầu tiên qua tác phẩm Paris the Capital of Modernity, nhưng tác phẩm thể hiện quan điểm marx (có lẽ) có giá trị nhất của ông là Social Justice and the City, cuốn sách sử dụng cách tiếp cận marx để giải thích các vấn đề phát triển đô thị và địa lý. Và cùng với hàng loạt các cuốn sách khác, tầm quan trọng của David Harvey là những khái niệm ông đưa ra dùng để lý giải cho chủ nghĩa tư bản thời kỳ hậu công nghiệp, giải thích những dịch chuyển biến hình của chủ nghĩa tư bản trong thời kỳ toàn cầu hóa với các nền kinh tế tân tự do. Chẳng hạn sự chuyển dịch tư bản từ tích lũy quy mô sang tích lũy uyển chuyển (flexible accumulation), chuyển vốn từ nơi này qua nơi khác để tận dụng sự chênh lệch về mức sống, văn hóa và phân biệt giới tính để tận dụng nhân công giá rẻ, ngoan ngoãn, ít đòi hỏi. Tư bản nhảy từ nơi này tới nơi khác, và đánh nhanh rút gọn để tự giải quyết các vấn đề của mình (lý thuyết “Spatio-temporal fix”). Hoặc như quan điểm của David Harvey về đô thị là môi trường được tạo ra (created environment) bởi chủ nghĩa tư bản hiện đại, đã bành trướng ảnh hưởng của đô thị và tiêu biến những đặc điểm nông thôn khiến chúng ta càng khó phân biệt giữa 2 khu vực địa lý này.  Khi một tập đoàn đầu tư tại 1 địa điểm nào thì ngay lập tức khu vực đô thị đó trở nên “đắt giá” và vốn đầu tư đổ dồn vào đó như một hiệu ứng “thứ cấp” của tích lũy tư bản, địa điểm này trở thành một môi trường được tạo ra. Do các tập đoàn có xu hướng thay đổi địa bàn đầu tư liên tục nên các không gian đô thị cũng liên tục được tái cấu trúc dẫn đến những biến đổi xã hội học trong không gian đó. Lý thuyết Created environment cũng đặt ra vấn đề về vai trò của chính quyền, thế lực mà theo chủ nghĩa Marx là có chức năng hàn gắn mâu thuẫn và áp chế lực lượng bị thống trị, nên Nhà nước cũng có vai trò dẫn dắt tiêu thụ tập thể thông qua các chính sách ưu đãi, thuế khóa và quy hoạch đô thị. Luận điểm của David Harvey khá “classic” trong số những người nghiên cứu chủ nghĩa Marx, luôn bác bỏ những cải cách, kiên quyết tấn công những hệ thống thị trường hàng loạt, vì nó liên tục sản sinh ra sự bất công thông qua việc troi buộc con người vào các chức năng hàng ngày của nó, giống như Engels trước kia, David Harvey luôn hy vọng tiếp thêm năng lượng cho chủ nghĩa Marx bằng những lý luận của mình trong cuộc đấu tranh của thời đại mới.

Bốn nhân vật trên cùng với Manuel Castells hay Marshall Berman là những gương mặt có những đóng góp nghiên cứu về đô thị bằng cách tiếp cận Marx của thế kỷ 20. Tựu chung lại thì các nghiên cứu của họ (trong lĩnh vực đô thị) xoay quanh những chủ đề sau đây:
– Đưa cuộc đấu tranh để giải quyết mâu thuẫn từ nhà máy ra đường phố, từ thời gian và không gian làm việc ra cuộc sống đô thị hàng ngày
– Giải thích những biến động mới của chủ nghĩa tư bản hiện đại, sự tích lũy vốn trong chu trình sản xuất đã phát sinh ra sự tích lũy vốn trong các chu trình thứ cấp, đầu tư vào xây dựng và thị trường bất động sản, nguyên nhân phát triển đô thị thời hiện đại
– Giải thích và dự đoán là những khủng hoảng đô thị như khủng hoảng từ “bong bóng” bất động sản, hiện tượng gentrification (sang hóa, trưởng giả hóa)
– Giải thích những vận động của nhà nước tư bản trong quy hoạch và phát triển đô thị.
Tất nhiên mỗi người có cách giải thích khác nhau góp phần xây dựng lý luận cho một cách tiếp cận duy lý và hiệu quả trong việc phân tích những vấn đề đô thị. Những lý luận của họ tất nhiên cũng vẫn bất toàn như các chủ thuyết khác, ở Benjamin là sự thừa hình ảnh những thiếu lý thuyết, ở Henri Lefebvre là sự sùng bái không gian, và với David Harvey là một chút utopia,… Nhưng không thể phủ nhận, sự tỷ mỷ chính xác và thậm chí dạt dào tình cảm trong các Bức tranh Paris mà Benjamin hay Debord, Lefebvre đưa ra. Hay mở rộng thêm vào một chút minh chứng như sự tinh tế trong các quan sát của Harvey về Baltimore hoặc nét đáng yêu của NewYork qua mô tả của Berman. Những tác giả này, trong họ đều có sự kết hợp của một trí tuệ duy lý với tâm hồn nghệ thuật khi miêu tả một đối tượng phức hợp của những gì đẹp nhất và gai góc nhất, Đô thị.

Advertisement

2 bình luận

  1. […] Bốn nhân vật trên cùng với Manuel Castells hay Marshall Berman là những gương mặt có những đóng góp nghiên cứu về đô thị bằng cách tiếp cận Marxism của thế kỷ 20. Tựu chung lại thì các nghiên cứu của họ (trong lĩnh vực đô thị) xoay quanh những chủ đề sau đây:  […]

  2. […] thần của bài viết này nối tiếp cho ghi chép trước về nghiên cứu đô thị và chủ nghĩa Marx, ở bài đó Manuel Castells mới chỉ được điểm danh nên sẽ thật thiếu sót […]

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: