Đại lộ Champs Élysées khi ánh sáng lung linh màu bạc trùm lên những tán cây trải dài như dòng suối lộng lẫy, báo hiệu mùa Noel đã đến. Các siêu thị cũng trang hoàng lại và mở cửa cả bốn chủ nhật mơi gọi dân tình vào sắm sửa quà cáp cuối năm. Cây thông Noel xuất hiện mọi nơi và được trang hoàng lấp lánh với những đèn chùm nhấp nháy, quả cầu màu mè, những gói quá chồng chất và ngôi sao chói sáng hào nhoáng trên đỉnh.
Chẳng khác gì ở Mỹ.

Ông già Noel
Trước kia tôi gói gọn cây thông, chúa giáng sinh, ông già Noel và Jingle bell rock vào trong một tập hợp dán nhãn Giáng sinh lễ hội của người phương tây và coi như chúng có liên quan đến nhau xuất phát từ một câu chuyện nào đó đi ra từ kinh thánh. Nhưng hóa ra không phải vậy, như lời giải thích của “nhà bác học” Sheldon Cooper trong series phim Bigbang Theory thì cây thông xuất phát chỉ là một thứ ngoại đạo, được người Celte khi xưa mang vào nhà như biểu trưng cho một sự sinh sản cùng với sự phục hưng nào đó của mặt trời. Và giáo hội La mã đã khoác lên chúng những câu chuyện ngợi ca thiên chúa để cấy ghép những phong tục phương bắc vào cơ thể của mình. Tháng 12 với giáng sinh, ông già noel hay cây thông như những lớp áo mớ ba mớ bảy, diêm dúa đa tầng văn hóa tạo những sắc màu vui vẻ cho những ngày cuối năm lạnh giá.
“Hãy khám phá đô thị qua hoạt động chợ búa”, bắt chước các sinh viên EM Lyon khi đi khắp nơi thu thập tài liệu cho cuốn Le Petit Paumé des Marchés, tôi đến Tour de Salvagny xem chợ Noel họp hàng năm 1 lần, đi chơi chợ Noel cũng là lựa chọn khá thú vị vào những ngày đầu của tháng 12, khi thời tiết lạnh ngắt nhưng vẫn trong xanh và nắng vàng.
Khác biệt với không khí Giáng sinh ngoài các siêu thị mang đầy vẻ hào nhoáng lai căng từ chủ nghĩa tiêu thụ Mỹ, Hội chợ Noel ở thị trấn gần như dành cho trẻ con và mang tính truyền thống đậm đặc hơn. Thực sự lâu lắm rồi không thấy môi trường nào thuần Pháp đến vậy, không thấy những tấm khăn trùm đầu của những cô gái đạo hồi, cũng không có những đôi giày nike và quần áo hiphop của mấy thanh niên Bắc Phi, và có lẽ cũng chỉ có tôi và vài người bạn đi cùng là đại diện cho châu á, còn lại đều là những người dân địa phương sống ở những thị trấn nhỏ nhắn xung quanh.
Có 2 ông già Noel, ông “chính quy” với bộ râu trắng xóa như kẹo bông cả ngày ngồi trong căn nhà của ổng, đến chiều mới cùng vợ (bà già noel) ra phát kẹo cho mọi người trên chiếc xe lừa kéo. Ông thứ hai là 1 … thiếu niên không râu đứng ngay ngoài cửa chợ để đón khách phát tờ rơi và kẹo. Hai nhân vật này đều phục trang theo kiểu ông già Noel của Pháp, tức là mặc áo choàng đỏ dài đến đầu gối chứ không có thắt lưng to bản và bộ áo quần to cỡ lớn như đồ phòng hộ độc hại kiểu của Mỹ.
Cũng gần giống như cây thông, Ông già Noel “sinh thời” là một vị giám mục và sau đó được gọi Thánh Nicolas, được thuyên chuyển công tác ra tận Bắc Cực lo việc tặng quà cho trẻ nhỏ. Hình ảnh ông già Noel vừa có tính tôn giáo ki tô, vừa có liên quan với phương bắc để được sự chấp nhận dễ dàng hơn tại châu âu. Thánh Nicolas được mang sang Mỹ từ thế kỷ 17, và thế kỷ gần đây thì được ” thương mại hoá ” sau những thay đổi về y phục và “concept” để trở thành ông già Noël tốt bụng, cưỡi tuần lộc mũi đỏ và sau đó được người Hoa Kỳ xuất khẩu hình ảnh đó ra toàn thế giới.

Chú lừa nhỏ Poney
Ông già Noel ở đây tất nhiên ngồi trên cỗ xe lừa kéo, giống như thánh Nicolas trong nguyên mẫu. Chú lừa này ngoài vinh dự được kéo xe phát kẹo, vốn được trưng dụng từ góc trò chơi trẻ con. Chú lừa, lớn nhất trở thành đầu đàn của bày poney 5,7 con đang chơi trò vòng quay, bị bọn trẻ con cưỡi đi vòng tròn quanh cái cột. Lông poney rất dày và ấm, nhỏ nhắn xinh xắn cặm cụi phục vụ mấy kỵ sỹ tý hon đang hồi hộp vắt vẻo trên lưng.
Bọn trẻ ở hội chợ Noel có rất nhiều chỗ chơi, Hóa trang vẽ mặt, tập tô màu, ăn hạt dẻ nướng, và được các con thú bông to đùng bế trên tay. Lion King, Khủng long đầu đỏ, Sóc lớn, Kungfu Panda, … đi khắp chợ chụp ảnh với mọi người trước khi tụ tập lại hộ tống ông bà già Noel phát kẹo.
Người lớn thì tranh thủ đi mua bán ở những quầy hàng nho nhỏ dựng lên từ gỗ. Người thì mua mấy đồ lặt vặt trang trí trong nhà, chén bát màu mè, quả cầu noel, nến hay mấy con búp bê Matriochka bằng gỗ. Các bà thì ngó nghiêng nếm thử mấy quầy nông sản thực phẩm truyền thống từ nhiều địa phương khác: phomat, pate gan ngỗng, mứt, saucissons hay các tảng bánh mỳ có thêm gia vị cay cay gì đó.
Cây thông noel cũng được bày bán bởi một “đại ca” trông rất khỏe mạnh. Không biết nên gọi bác ta là nông dân, tiều phu hay thợ làm vườn, vì bên cạnh mấy cái cây, ông ta còn mang ra 1 đống khúc cây đốn gọn dài cả mét, đường kính hơn 10 phân và nhận đẽo luôn mấy hình thù đơn giản để bày trong vườn như con vịt, cây nấm, con hươu, con cá .v.v. không nghệ thuật lắm, nhưng nhìn hình có thể đoán ra được con gì.
Nhưng ấn tượng nhất là triển lãm “Crèche”, tức là hình ảnh chúa Giesu chào đời trong máng cỏ được thể hiện bằng các tượng nhỏ xíu. Một gian phòng lớn bày mấy trăm bộ Crèche như vậy từ khắp nơi trên thế giới. “Crèche” là máng cỏ trong chuồng thú, cái nôi đầu tiên của chúa hài đồng, nằm trong hang đá hoặc một mái chuồng xập xệ, bên cạnh có đức Mẹ Maria và người cha “hành chính” Joseph, xung quanh có hai con lừa bò, 3 ông vua hay nhà tiên tri, và xa hơn nữa là đàn cừu và những người chăn nuôi. Kịch bản chuẩn là như vậy, nhưng do đến từ nhiều nơi trên thế giới, mỗi địa phương lại biến đổi hay thêm vào một số đặc điểm khá ngộ nghĩnh. Mái nhà (mái chuồng) của người Provence khác với Italy, các nhân vật của một vài xứ đạo châu phi đôi khi dùng các chất liệu có màu tối vừa đẹp vừa rất địa phương, Crèche của ấn độ thay lừa bằng voi .v.v. Các nhân vật còn được gọi là santon, thường làm bằng đất, cao từ 1 đến 7 phân và được nặn tạo hình sống động và tô vẽ màu khá đẹp. Cộng với cách bố trí đẹp, chụp ảnh tấm nào lên cũng như các bức tranh trung cổ.
Ngắm những tác phẩm crèche truyền thống từ đủ mọi địa phương, chất liệu, trong phiên chợ Noel của thị trấn nhỏ này, mới thấy thực sự nước Mỹ còn ở xa lắm, chẳng bao giờ lọt được vào đây.

Crèche truyền thống

Crèche – đến từ Brazil