Vào những năm 60, khi Henri Lefèbvre tuyên bố đô thị là một sản phẩm của xã hội. Và đặc biệt đi kèm với công nghiệp của xã hội tư bản, đô thị được sản xuất và lan ra toàn thế giới tạo thành một thế giới đô thị. Tại thời điểm đó thì dân số đô thị thế giới mới chỉ chiếm 1/3 loài người. Nhưng đến thời điểm này quá trình đô thị hóa toàn cầu đó đã làm dịch chuyển cán cân so sánh dân số đô thị nông thôn ngày càng lệch về phía đô thị.
Năm 2008, theo báo cáo thường niên của Ban Kinh tế xã hội Liên hợp quốc nhấn mạnh “thế giới đã tiến đến một cột mốc quan trọng, lần đầu tiên trong lịch sử, hơn một nửa dân số thế giới, sẽ sống trong đô thị”. Một thời kỳ mới mở ra trong lịch sử xã hội loài người, thời đại đô thị.
Giống như chủ đề “hiện đại” những năm 60, hay “toàn cầu hóa” những năm 80, 90 của thế kỷ trước, “thời đại đô thị” trong vòng 10 năm gần đây đã trở thành một đề tài nóng bỏng có trên khắp các báo cáo nghiên cứu thường niên của Liên hợp quốc hay các tổ chức kinh tế xã hội, là chủ đề thảo luận dày đặc trên các tạp chí khoa học cũng như phổ thông.
Đô thị đã trở thành một quá trình tích tụ của xã hội loài người, nó vượt ra ranh giới hành chính của bất kỳ khu vực nào, và thậm chí vượt qua cả ranh giới lãnh thổ các quốc gia. Những vùng đô thị lớn đã được hình thành bằng việc tập trung các nguồn lực của cải, lao động trên khắp thế giới trở thành những tích tụ khổng lồ như hình ảnh của các siêu bão đang mạnh mẽ xoay tròn và chia nhau án ngữ trên khắp các châu lục. Mỗi vùng “tích tụ” như vậy có số dân lên tới 20-50 triệu người và hơn nữa, tạo ra một cỗ máy khổng lồ hoạt động hết công suất để vận động xã hội loài người.
Chỉ bằng việc phân tích cấu trúc đô thị theo bộ ba khía cạnh công nghiệp, tiêu thụ và quản lý hánh chính, Lefebvre đã chứng minh được quá trình sản xuất đô thị ngày càng lớn về số lượng và nâng cấp về chất lượng như một thứ sản phẩm tất yếu của quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản toàn cầu.

English: Photograph of the new islands ‘the universe’ as well as the new design of ‘Palm deira’ in Dubai (Photo credit: Wikipedia)
Đô thị đã thành sản phẩm, triệt để đến nỗi các nhà cầm quyền đã có thể áp dụng hoàn toàn các kiến thức về marketing sang xây dựng thương hiệu đô thị để kinh doanh sản phẩm địa phương mình trong thị trường toàn cầu.
Những nhân tố tạo thị hay lịch sử đô thị cũng trở thành thứ yếu, những gì do Henry Ford và Keynes mang lại đã cho ra đời các sản phẩm đô thị đầy tính thương mại như Las Vegas hay những đô thị nửa như một phép lạ nửa như một ảo ảnh từ quá khứ về thú xa hoa cổ đại như Dubai. Một cơn sốt sản xuất đô thị vừa khoa mẽ vừa cạnh tranh giữa các thành phố, đủ mọi quy mô, cấp độ. Các thành phố lớn đua nhau lôi Rem Koolhaas, Norman Foster, Zaha Hadid về để trang trí cho sản phẩm của mình, các thành phố nhỏ hơn thì đua nhau xây dựng hàng loạt để sẵn đấy đợi “được mùa được giá” hoặc khủng hoảng. Thậm chí có cả các sản phẩm đô thị nhái như “giả paris” “giả venice” ở trung quốc.
Nào đâu chỉ có các kiến trúc sư tất bật, tính sản phẩm của đô thị trong thời buổi cạnh tranh này đã sinh ra những vị trí mới trong quá trình sản xuất đô thị. Nghệ sỹ đồ họa Peter Saville được mời về giám đốc sáng tạo cho Manchester, hay một phù thủy về thiết kế đồ họa khác Bruce Mau một hôm nhận được cú điện thoại yêu cầu “Ngài có thể đưa ra một tầm nhìn tương lai cho Mecca được không?” (theguardian). Những danh hiệu tưởng chừng chỉ để nghe cho kêu như Thủ đô văn hóa, Thành phố Sáng tạo bỗng chốc được người ta đua nhau dành giật, quyền đăng cai Olympic trở thành cuộc chiến đánh bóng thương hiệu đô thị, nhiều đô thị thậm chí cái tên của nó còn nổi bật hơn quốc gia mà nó thuộc về.
Thời đại đô thị – Đô thị vẫn tiếp tục được sản xuất – Toàn cầu hóa đô thị, một tương lai của xã hội loài người, ngay cả khi những tiến bộ nổi bật trong công nghệ thông tin xuất hiện. Ước mơ về một thế giới hậu công nghiệp, con người được giải thoát khỏi sản xuất hàng loạt và làm việc thanh cảnh giữa vườn cây ao cá với một đường truyền mạng đủ mạnh vẫn chỉ là không tưởng, hay ít nhất chưa phải trong thời đại đô thị này. Những lý thuyết về sự đan xen những lớp mạng lưới đô thị toàn cầu của Manuel Castells cho thấy các đô thị sẽ càng phát triển theo hướng vừa lan ra lại vừa tích tụ lại như hình ảnh những cơn bão mạnh dần ở trên. Công cụ thông tin và đô thị hóa sẽ giúp ranh giới đô thị ngày càng nới rộng, nhưng những giao tiếp khả tín “mặt đối mặt” trong những thương vụ quan trọng sẽ tạo ra một lực tập trung bắt buộc của những vùng đô thị về các cực của nó. (Theo Reflections on the Spatial Dynamics of the Information Age) Nói cách khác, dù màn hình phóng lớn và mạng băng thông rộng khiến người ta dễ dàng giao tiếp và quản lý hơn, nhưng mọi việc đều bắt đầu với một cái siết tay thật chặt. Và chính cái siết tay đó là nội lực tích tụ của các vùng đô thị.
Phải nói thêm là Manuel Castells là một trong những nhà phân tích xã hội và cấu trúc đô thị nổi bật nhất từ những năm 1970 đến nay. Kể từ cuốn The Urban Question phân tích xã hội học đô thị và tác động của xã hội tới cấu trúc và hình thái không gian đô thị. Castells cùng với David Harvey và trước đó là Lefebvre được đánh giá là những nhà nghiên cứu dựa nhiều vào những lý luận cơ bản của Marx để xây dựng những lý thuyết mới cập nhật, giải thích và dự đoán tương lai của xã hội đô thị và chủ nghĩa tư bản.
Là một trong những nhà lý luận đương đại về đô thị, tiếp nối và bác bỏ những thảo luận của Kingsley Davis, Louis Wirth về vấn đề đô thị (Urban question) trong thời đại đô thị ngày nay, những lý luận của Manuel Castells về cấu trúc, hình thái đô thị và xã hội học đô thị là hết sức thuyết phục để lý giải về đô thị. Tuy nhiên thời đại đô thị mới vẫn cần thêm nhiều lý thuyết khác về đô thị, không chỉ để cập nhật bức tranh xã hội đô thị hiện nay, mà còn để thảo luận lại những khái niệm cơ bản nhất mà đến giờ vẫn có nhiều lý thuyết riêng như “đô thị hóa là gì” chồng chéo và mâu thuẫn nhau đến mức như Neil Brenner và Christian Schmid đã viết trong The ‘urban age’ in question: “Mặc dù có một lịch sử lâu dài và ảnh hưởng rộng khắp, nhưng đề tài “thời đại đô thị” là một cơ sở chưa hoàn chỉnh, mà dựa trên đó bức tranh đô thị hóa thế giới đương đại được hình thành: nó không vững về thực nghiệm (một sự giả lập về thống kê) và thiếu nhất quát về lý thuyết (một khái niệm lộn xộn)”
[…] Vào những năm 60, khi Henri Lefèbvre tuyên bố đô thị là một sản phẩm của xã hội. Và đặc biệt đi kèm với công nghiệp của xã hội tư bản, đô thị được sản xuất và lan ra toàn thế giới tạo thành một thế… […]
[…] của quản lý địa phương và có chức năng bổ sung cho quy hoạch đô thị. Trong thời đại đô thị hiện nay thì thành phố đã trở thành một sản phẩm hàng hóa, và luôn cố gắng […]
[…] thị ở thế kỷ 21. Hiện nay có một thực tế dễ nhận thấy là thế kỷ 21 là thế kỷ đô thị: 2007 là một năm cột mốc trong đó dân số sống ở thành thị …. Sau bước tiến đó vẫn sẽ là quá trình đô thị hóa nhanh chóng và liên tục. […]