Henri Lefèbvre – không gian và xã hội học đô thị

Sơ đồ phân tích không gian của LefebvreNhân đọc bài về không gian công cộng trong đô thị có nhắc đến Henri Lefèbvre lý thuyết kiến tạo không gian (spatializing theory – nguyên gốc có lẽ là từ cuốn sách “Production de l’espace” của Lefèbvre). Không gian là chủ đề mấy ông học giả người pháp khá ưa thích, có lẽ tôi hay gặp phải những ông thích nghiên cứu về không gian. Lịch sử các quan điểm nghiên cứu về không gian tất nhiên không phải độc quyền của người Pháp. Không gian từ một đối tượng trong lĩnh vực địa lý, không chỉ vươn dài giới hạn của nó ra vũ trụ mà còn trở thành một khái niệm thông dụng đi vào các chuyên ngành khác siêu hình, phi vật thể. Trong khoa học xã hội và nhân văn, không gian trở thành một đối tượng mà chúng ta không chỉ nói tới mà trực tiếp tham gia vào. Vì thế thay cho việc xác định “không gian là gì” thì các nhà nghiên cứu đi tìm cách trả lời cho câu hỏi “Đâu là cách mà những hành vi khác nhau của con người tạo ra không gian và sử dụng các khái niệm không gian khác biệt được tạo ra?”.

Câu hỏi đó là cách đặt vấn đề của David Harvey đã viết về bản chất của không gian trong Social Justice and the City vào năm 1973. David Harvey, giáo sư nhân học và địa lý đại học NewYork nối tiếng với những nghiên cứu về hiện đại, hậu hiện đại, chủ nghĩa đế quốc đã chịu ảnh hưởng rất nhiều các tư tưởng và khái niệm của Karl Marx và Henri Lefèbvre trong các bài viết của mình. Để mô tả về tư tưởng và hành động Henri Lefèbvre, tốt nhất nên tham khảo lời giới thiệu của David Harvey về cuốn Production de l’espace như sau:

Đây là cuốn sách đề cập đến nhiều vấn đề và từ nhiều góc độ. Lefèbvre rút ra từ những kiến thức triết học của mình, từ những suy tư của ông về Hegel, Marx, Nietzsche và Freud, cũng như những trải nghiệm của ông về văn thơ, âm nhạc, nghệ thuật, hội hè; từ những liên hệ của ông với chủ nghĩa siêu thực và chủ nghĩa tình thế; từ quá trình tham gia phong trào Marxism mạnh mẽ cả trong tư tưởng và hành động chính trị, từ những điều tra xã hội học của ông về điệu kiện sống đô thị và nông thôn, và từ nhận thức tường tận về toàn thể và phương pháp biện chứng.

Trong đoạn văn trên thì tôi chỉ xin trích ra một chút chút về phần nghiên cứu về không gian và xã hội học về điều kiện cuộc sống đô thị và nông thôn để thành một ghi chép nho nhỏ liên quan đến chủ đề blog này về Lefèbvre.

Không gian là gì? theo Lefèbvre thì “đó là câu hỏi khám phá hoặc phát triển một sự thống nhất các lý thuyết của các lĩnh vực riêng biệt…. Những lĩnh vực nào?.. Trước hết, vật lý, tự nhiên và vũ trụ – sau đó là trí tuệ (bao gổm trừu tượng hóa hình thức và logic) – cuối cùng là xã hội. Nói cách khác cuộc tìm kiếm này tập trung vào không gian tri trức học logic (logico-epistemological) – không gian của thực tiễn xã hội – mà trong đó có các hiện tượng có thể ý thức, không loại trừ hình ảnh, kế hoạch, dự án, biểu tượng hay những điều không tưởng (uptopia).”

Để đi sâu vào phân tích không gian xã hội Lefebvre đề xuất một mô hình ba chiều, hay nói cách khác, tồn tại ba khía cạnh của không gian:
– Thực tiễn không gian hay Không gian có thể nhận thấy, đó là hoạt động sản xuất và tái sản xuất của quan hệ không gian giữa các đối tượng và sản phẩm. “Trong điều kiện của không gian xã hội và của mỗi thành viên có mỗi quan hệ xã hội liên quan tới không gian đó, sự gắn kết này ngụ ý một mức độ đảm bảo năng lực và mức độ cụ thể của hoạt động”. Thực tiễn không gian có thể nhận thấy thông qua việc xem xét thực nghiệm và vật chất của không gian. (Trong xã hội tư bản hiện đại, Thực tiến không gian thể hiện một mối quan hệ gắn kết, giữa thực tế hàng ngày (tính thường nhật) và thực tế đô thị. Thực tế hàng ngày là thói quen hàng ngày và thực tế đô thị là những con đường, con phố, những hệ thống mạng lưới nối kết các địa điểm dành cho công việc, cho giải trí và cho cuộc sống riêng tư.)
– Những hình dung của không gian hay Không gian khái niệm liên quan tới các mối quan hệ sản xuất và “trật tự” mà các quan hệ này qui định, tức là tới kiến thức, tín hiệu, quy tắc. Đây là không gian khái niệm hóa của các nhà khoa học, quy hoạch, đô thị, kỹ trị, hoạch định. Lý thuyết của các chuyên gia là hướng tới không gian giá trị hóa, định lượng và quản lý do đó hỗ trợ và hợp pháp hóa phương thức quản lý nhà nước. Hình dung của không gian đưa ra một hình thức vật thể chẳng hạn như bản đồ, mô hình hay các thiết kế. Nghiên cứu về Hình dung của không gian tức là nghiên cứu về lịch sử tư tưởng. Lịch sử tư tưởng có thể nghiên cứu bằng cách kiểm tra bản đồ không gian biến đổi qua thời gian như thế nào (tương tự Hình thái học đô thị).
– Không gian thể hiện “Không gian như sống động trực tiếp thông qua  hình ảnh và các biểu tượng liên kết, và vì vậy không gian của người dân và người sử dụng, cũng như của các nghệ sỹ và có lẽ của những nhà triết học và nhà văn, những người mô tả và mong muốn làm được nhiều việc hơn là chỉ mô tả”. Đây là không gian kinh nghiệm thụ động, mà trí tưởng tượng tìm cách thay đổi hay chiếm dụng. Không gian thể hiện phủ lên không gian vật lý, tạo năng lực sử dụng biểu tượng của các đối tượng. Các câu slogan, biểu ngữ hay những dấu hiệu vẽ lên tường của sự phản kháng là những cốt liệu thể hiện.

Nếu so sánh sơ sơ để cho dễ nắm bắt thì có thể tạm hiểu Không gian có thể nhận thấy là không gian vật chất, không gian khái niệm liên quan đến trí tuệ, và cuối cùng không gian thể hiện liên quan nhiều đến không gian xã hội.
Với mô hình ba chiều này Lefevre đã cố gắng xóa đi mối quan hệ cấu trúc – tác nhân, lý thuyết và thực tiễn, để có cái nhìn toàn diện hơn khi nghiên cứu xã hội học về một không gian cụ thể, việc tập trung phân tích không gian vật chất tại một địa điểm nào đó hóa ra mới chỉ là một phần của vấn đề.
Theo Lefèbvre thì không gian (xã hội) là sản phẩm (xã hội). Nghiên cứu về sản xuất không gian sẽ hé lộ về quan hệ xã hội. Mỗi phương thức sản xuất sẽ tạo ra một không gian riêng của nó, đặc trưng cho xã hội đó.
Chẳng hạn những nhà tư bản hiện đại gia tăng đầu tư vào các không gian khác nhau như công nghiệp, nông nghiệp, nhà ở, giải trí .v.v. điều này cho phép tư bản vượt ra ngoài sự khủng hoảng của lĩnh vực công nghiệp (mặc dù sau đó sẽ dẫn đến những khủng hoảng khác). Như vậy xã hội tư bản đã chuyển từ sản xuất sản phẩm TRONG không gian vào thế kỷ 19 sang xu hướng sản xuất sản phẩm Và Không gian. Nó đặt ra sự mâu thuẫn giữa những nhà sản xuất kỹ trị của không gian với những người sử dụng muốn chiếm hữu không gian như một không gian sống, khẳng định tính khác biệt của mình.  Mối mâu thuẫn này sẽ được mô tả kỹ hơn ở phần tiếp sau, phần tóm lược những phân tích của Lefèbvre về xã hội học của thời tư bản hiện đại, xuất hiện từ đầu thế kỷ 20.

Cuộc sống thường nhật (Everyday life – La vie quotidienne)
Nhắc lại một lần nữa thì Lefèbvre là một nhà nghiên cứu được coi là Tân Marxit khi sử dụng những lý thuyết của Marx để giải thích cho xã hội tư bản hiện đại. Sinh thời Karl Marx không coi mình là nhà xã hội học, mặc dù lý thuyêt mâu thuẫn của ông như một nền tảng của việc sáng tỏ sự biến chuyển xã hội. Tất nhiên Lefebvre cũng sử dụng mâu thuẫn để giải thích cho xã hội hiện đại. Nếu như mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản cổ điển thời kỳ của Marx thể hiện chủ yếu qua thời gian lao động trong ngày, khoảng thời gian mà người lao động có thể bị bóc lột giá trị thặng dư, theo Marx. Thì Lefebvre kéo dài khoảng thời gian xảy ra mẫu thuẫn ra toàn bộ thời gian, bao gồm cả thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, giải trí, riêng tư, hay nói cách khác là Cuộc sống thường nhật hay cuộc sống thường nhật đô thị. Nguyên nhân là do xã hội tư bản đã có sự biến chuyển từ cổ điển sang hiện đại – tức những năm của thế kỷ 20, thời đại của Lefebvre. (Quên chưa giới thiệu là Henri Lefbvre sinh năm 1901, mất năm 1991.)  Cuộc sống thường nhật hoặc tính thường nhật (everydayness/ quotidienneté) là một trong những khái niệm quan trọng nhất trong nghiên cứu của Lefebvre.

Năm 1914 thì Henry Ford, ông chủ hãng ô tô, một nhà tư bản – chính trị cỡ bự đã thúc đẩy cho một tiến trình đi lên hiện đại của chủ nghĩa tư bản bằng cách tăng lương gấp đôi cho công nhân của mình để kích thích tiêu thụ. Từ đó ra đời một học thuyết là chủ nghĩa Fordism, tức là ông chủ trả lương cho công nhân không chỉ theo đơn vị thời gian, mà là trả lương để công nhân trở thành người tiêu thụ, qua đó kích thích các thị trường khác phát triển, hơn nữa việc ứng dụng dây chuyền công nghệ và áp dụng chủ nghĩa Taylor trong quản lý đã tăng năng suất lao động và sản xuất hàng loạt. Tiêu thụ trở thành một thuộc tính mới của xã hội tư bản hiện đại. Người lao động sau khi rời nhà máy, nhận lương về và bắt đầu mua sắm, bắt đầu tiêu dùng, bắt đầu sống cuộc sống riêng tư của mình. Nhưng ngay cả khi rời nhà máy và sống cuộc sống riêng tư của mình, họ vẫn tiếp tục làm giàu cho nhà tư bản, tiếp tục tích lũy tư bản hay nói cách khác tiếp tục tái sản xuất cấu trúc xã hội tư bản hiện đại.
Đấy là lý do Lefebvre mở rộng học thuyết mâu thuẫn của Marx ra cả 3 chiều: (i)mở rộng từ số giờ làm việc trong ngày ra toàn bộ thời gian trong ngày, tức là tính thường nhật, (ii) mở rộng không gian từ nhà máy ra toàn bộ đô thị (Urban) và (iii) mở rộng bản thân sự mâu thuẫn khác biệt giữa tầng lớp lao động với những ông chủ, ra thành mâu thuẫn giữa những nhóm người lao động, người tiêu thụ, người dân với ông chủ và những nhà quản lý kĩ trị.

Thời kỳ hiện đại -  Charlie Chaplin

Thời kỳ hiện đại – Charlie Chaplin – 1936

Như vậy theo Lefebvre Cuộc sống thường nhật là khái niệm đầu tiên, xuất hiện vào thế kỷ thứ 20, là trải nghiệm hiện đại có liên quan đến hai khái niệm kia (Đô thị và sự Khác biệt) tạo thành một bộ ba biện chứng để Lefebvre mô tả toàn bộ xã hội. Trong đề mục viết về Tính thường nhật trên Encyclopaedia Universalis, Lefèbvre đã mô tả đầy đủ khái niệm về tính thường nhật và coi nó như khái niệm quan trọng nhất của xã hội hiện đại. Một mặt nó là bản chất tự nhiên thông qua các vòng lặp, hết ngày đến đêm, cuộc sống đến cái chết, trồng trọt đến thu hoạch. Nhưng mặt khác nó cũng là sự tuyến tính của duy lý, như các thao tác lặp lại như trong lao động dây chuyền  và tiêu dùng hàng ngày. Tính thường nhật là những gì bình thường nhất, người ta quá quen với nó nên coi nó là đương nhiên. Cũng như đồ đạc, quần áo, con người hoàn toàn bị định hướng bởi nhà sản xuất và tiếp thị. Người ta sản xuất ra cái gì thì ta mua cái nấy về dùng. Ngay cả trong quy hoạch kiến trúc, những đồ án quy hoạch lắp ghép của Phong cách quốc tế mang đầy tính duy lý và tôn vinh chủ nghĩa công năng cũng ra đời hàng loạt ở nhiều nơi.
Tất cả những cái này chỉ thực sự xuất hiện từ thế kỷ 20, khi dây chuyền sản xuất hàng loạt ra đời, mọi sản phẩm nhân bản nhanh chóng và trở thành thông dụng. Bằng các lập luận dựa trên lý thuyết hệ thống, Lefèbvre đã chứng minh được tính thường nhật là một khái niệm thống trị thời kỳ hiện đại. Nó là sản phẩm tổng quát nhất của xã hội hiện đại, mang tính xã hội nhất mà cũng cá nhân hóa nhất, rõ ràng nhất nhưng cũng được che giấu tốt nhât, Địa vị này của tính thường nhật quy ước một hình thức (form) rõ ràng, quy định bởi chức năng (fonction), là một phần của cấu trúc (structure) và vì thế tính thường nhật cấu thành một nền tảng mà trên đó dựng lên xã hội quản lý hành chính (quan liêu – société bureautique) do  tiêu thụ dẫn dắt.
lefebvre chủ nghĩa fordism Cuộc sống thường ngày qua lập luận như vậy đóng vai trò quan trọng trong xã hội hiện đại có thể so sánh tương tự như vai trò của kinh tế trong xã hội truyền thống.  Mâu thuẫn của cuộc sống thường ngày là mâu thuẫn giữa tính thường nhật và tính sáng tạo, mâu thuẫn giữa những nhà sản xuất, quản lý với mâu thuẫn của người tiêu dùng thụ động. Trong công việc, đó là sự thụ động của người công nhân không được tham gia ý kiến vào sản xuất, trong giải trí, ta ngồi im trước máy thu hình, trong đời sống cá nhân, con người bị định hướng bởi tiếp thị và quảng cáo, ..  Đặc biệt trong đô thị, đó là mâu thuẫn do sự phân cực giữa những nhà quản lý và chế tạo ra đô thị với dân cư, những người sở hữu hoạt động đô thị.
Đô thị cũng chính là yếu tố cơ bản thứ hai của xã hội hiện đại mà Lefèbvre đưa ra. Quá trình công nghiệp hóa đi liền với đô thị hóa. Đó là sự thống nhất biện chứng. Đô thị được cấu trúc bởi một trật tự gồm công nghiệp, tiêu thụ và bộ máy quản lý hành chính (quan liêu). Nó được tổ chức theo cách để dòng di chuyển của sản phẩm và con người được thuận lợi, phản ánh logic của phân công lao động theo kỹ thuật. Nó là nơi sinh ra giá trị thặng dư và tích lũy vốn. Động lực công nghiệp sẽ tạo ra một vùng không gian của lao động và tư liệu sản xuất, đồng thời nó cũng đòi hỏi việc mở rộng hạ tầng đô thi. Đô thị phát triển và được sinh ra trên toàn thế giới, tạo ra một thế giới đô thị. Tại thời điểm Lefèbvre đưa ra thì mới 1/3 dân số thế giới được đô thị hóa, đến nay đã là hơn 50% và tiến trình này vẫn còn đang tiếp diễn.
Và cuối cùng là sự khác biệt
Sự khác biệt theo Lefèbvre được thể hiện rất rõ trong đô thị. Ông tập trung vào sự phân cực giữa những nhà kỹ trị, người tạo ra hình thái với những nhóm khác, những người sở hữu nội dung. Sự thiếu cân bằng trong việc ra quyết định tạo nên mối quan hệ thống trị và phụ thuộc. Trong cuộc đấu tranh chiếm không gian xã hội đô thị, các nhóm thể hiện sự khác biệt bằng cách chống lại tiến trình đồng hóa. Họ khẳng định quyền tham gia vào trung tâm ra quyết định, chống lại phân mảnh hóa và phân cấp hóa. THeo Lefèbvre thì nhóm khác biệt không có sự tồn tại thành nhóm cho đến khi họ chiếm hữu một không gian cho riêng họ.
….
Trên đây chỉ là một vài khái niệm cơ sở trong phân tích của Lefebvre, đi sâu hơn nữa nếu tìm hiểu về ông sẽ là những lý luận về cách mạng đô thị hay bản chất xã hội. Những vấn đề có hàm lượng triết học cao hơn xin đọc những tài liệu chuyên về triết học để có những khái niệm chuẩn xác hơn. Bài viết trên có lẽ còn nhiều khoảng trống một phần do vấn đề chuyển ngữ và phần khác do cách hiểu của tôi, nhưng chủ đề này sẽ còn tiếp tục với những ghi chép tiếp theo về Henri Lefebvre nhất là ứng dụng các phân tích không gian của Lefebvre trong nghiên cứu không gian đô thị.

Advertisement

8 bình luận

  1. […] Nhân đọc bài về không gian công cộng trong đô thị có nhắc đến Henri Lefèbvre và lý thuyết kiến tạo không gian (spatializing theory – nguyên gốc có lẽ là từ cuốn sách "Production de l’espace" của Le…  […]

  2. […] những năm 60, khi Henri Lefèbvre tuyên bố đô thị là một sản phẩm của xã hội. Và đặc biệt đi kèm với công nghiệp của xã hội tư bản, đô thị được […]

  3. […] ngược lại, Đô thị đang làm chủ và chi phối hành vi con người, như những gì Henri Lefèbvre đã đưa ra về tính thường nhật. Xin mời xem toàn bộ dự án Car Poolers tại trang web của tác […]

  4. […] đấu tranh trong xã hội hiện đại. Những khái niệm và lý thuyết của Lefebvre (tôi đã có dịp lưu lại trong một ghi chép khác, mời tham khảo) đưa ra đã góp phần đưa những nhà nhân học trỗi dậy và trở thành tiếng […]

  5. […] cận xã hội: Như Henri Lefebvre đã tổng kết Không gian là sản phẩm xã hội, nên việc khảo sát tính xã hội của một không gian công cộng đô thị nào đó […]

  6. […] đóng góp đã đặt ra những vấn đề lớn về đô thị theo cách mà Castells, Lefebvre, Harvey, Soja, Glaeser và những người khác đã làm cũng như khuyến khích được cung cấp […]

  7. […] người thầy Henri Lefebvre, người rất coi trọng không gian và đô thị (Xem thêm Henri Lefebvre – Không gian và xã hội học đô thị). Đô thị, với Lefebvre rất quan trọng, đó là bước phát triển tiếp theo của […]

  8. […] đóng góp đã đặt ra những vấn đề lớn về đô thị theo cách mà Castells, Lefebvre, Harvey, Soja, Glaeser và những người khác đã làm cũng như khuyến khích được cung cấp […]

Nhận xét về Henri Lefèbvre - không gian v&agra... Hủy trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: