Guillotière – khu phố đa sắc dân

Sống cùng nhau

Ngóc đầu lên khỏi bến Metro Guillotière là bạn tự quăng mình vào giữa một không gian đa dạng nhưng tạp nham, nhộn nhịp và mất trật tự, hơn hẳn nếu so với những trạm dừng khác trong thành phố Lyon. Người ta thường nói Guillotière là cửa ngõ vào thành phố và là đích đến cuối cùng của những người nhập cư. Điều đó đúng từ hàng trăm năm trước cho tới tận bây giờ. Nằm ngay cạnh trung tâm thành phố, những dòng người nhập cư dừng chân định cư lại nơi này tạo thành một sự hòa trộn đa sắc về nhân khẩu. Người Maghreb, người gốc Phi (da màu), Ấn độ, người Di gan, người Đông á và cả người Pháp nữa, mang tới đây những phong tục, tôn giáo và cách sống của mình. Mặc dù  Eduardo Kobra họa sỹ nổi tiếng đã vẽ bức tranh tường về nguồn gốc và lịch sử người nhập cư rất dài, rất đẹp và nhiều màu tại Ilot d’Amaranthes ngay trung tâm khu phố, Nhưng tôi vẫn thấy cuộc sống hiện thực ngoài kia khó có thể so sánh như một bức tranh đẹp hài hòa sắc thái mà chỉ là một bảng pha màu trên cái nền cũ kỹ của một ô phố châu âu. Lyon vốn tĩnh lặng, không phải thành phố lớn,  Lyon không phải mảnh đất hứa thực sự cho đủ mọi loại người, nó không nhiều cơ hội cho những người di cư lập nghiệp. Và vì thế nó cũng không tồn tại những cộng đồng đông, khác biệt và đậm nét bản sắc như các thành phố lớn khác. Đi giữa phố tàu Guillotière, từng là nơi nhộn nhịp nhất trong những ngày tết với pháo nổ dọc phố và đôi lân xin lộc. Nhưng bây giờ, trong một tối lành lạnh và lất phất mưa, ta tưởng chừng như đi lạc trong một khu ngoại ô đèn vắng với mặt đường loáng nước hắt hiu buồn những ánh sáng góc phố vàng mờ. Một phố chỉ có 3,4 nhà hàng việt nam hay nhật là có ánh sáng hắt ra qua ô cửa kính, mà nếu nhìn vào trong đó qua vệt nước, ta cũng chỉ bắt gặp những thực khách người Pháp đang dùng đũa khéo léo trong một không gian nội thất 9 phần tây hiện đại, 1 phần Á đông. Không có những cổng chào mái ngói dầy đặc chữ Hán như ở Boston, không có những cửa hàng lưu niệm bán đủ thứ linh tinh rẻ tiền do người Hoa làm chủ như ở NewYork, cũng chẳng có mái chùa hay đền như Amsterdam, phố tầu ở đây chỉ là những nhà hàng và siêu thị nho nhỏ phục vụ cho những người dân thành phố thỉnh thoảng muốn thưởng thực hay tự tay làm các món ẩm thực châu Á.

Những người phụ nữ Hồi giáo cạnh bức tranh tường ở Guillotière auteur(s) Daum Nicolas – Bibliothèque municipale de Lyon

Sự hiện diện của các siêu thị, nhà hàng đông á chỉ chiếm 1, 2 con phố và rải rác các cửa hiệu nhỏ lẻ khác trong khu vực. Còn áp đảo nhất vẫn là cộng đồng Maghreb (Hồi giáo Bắc phi). Nếu chỉ quan sát các phố chính của Guillotière thì dường như đây là khu phố của họ, những hàng Kebap thổ nhĩ kỳ thơm phức với những súc thịt nhiều lớp, những tiệm trà shisha tỏa hương ngào ngạt, những quầy thịt halah hay quầy bánh ngọt phủ đầy đường kính, những quán cà phê bóng đá với màn hình treo cao và những bàn chơi bài kín đặc người vào chiều tối. Trên quảng trường Gabriel Peri, luôn thường trực 30-40 cụ già-trung niên mặc áo vét xộc xệch ngồi nói chuyện với nhau bằng tiếng Arab hoặc … chẳng làm gì cả. Tất cả đều là đàn ông, phụ nữ Maghreb chỉ xuất hiện khi đi chợ, đi đâu đó cùng với con hoặc hối hả lùng nhùng trong chiếc khăn đội đầu và bộ quần áo kín mít. Nhưng không thiếu phụ nữ trên quảng trường, có rất nhiều cô gái Digan với tầm vóc thấp thấp, tóc xoăn xoăn và váy chùng đi cùng với những đứa trẻ tinh ranh đường phố luôn thường trực ở đó khiến người qua đường cảm thấy … bất an hơn. Họ chỉ ở đó vào ban ngày còn ban đêm thì tản đi hết, những người Di gan luôn sống ở một chỗ nào đó trong thành phố, trong các lều lưu động gầm cầu, các khu trại ngoại ô hay trong các căn nhà bỏ trống. Theo cái nhìn của dân Pháp thì những người Di gan luôn lọt ra ngoài những tính toán về nhân khẩu nhưng mang lại nhiều phiền toái cho xã hội của họ.  Cách đây vài năm một quan chức chính phủ Pháp đã từng gọi người Di Gan là “nguồn gốc của buôn lậu, của những điều kiện sống cực kỳ kinh hoàng, của bóc lột trẻ em ăn xin, của mại dâm và tội ác”. Người Pháp, mặc dù rất bình đẳng và bác ái, nhưng cũng có lúc không thể chịu được những người nhập cư với cách sống khác biệt và “bất hợp tác” như thế.

Một bộ phận dân cư không thể bỏ qua của Guillotière là những người da đen châu Phi. Họ ít tụ tập ở những phố chính, nhưng sống lùi vào trong lòng các con phố nhỏ, và thường đứng thành từng tốp dăm bảy người ở các góc phố hay các cửa hàng chủ đồng hương người Phi. Những người này mang tới cho khu vực những tiệm thức ăn nhiệt đới, những quán bar luôn bật nhạc của lục địa đen đầy cuồng nhiệt với tiết tấu trống sôi động, những thầy phù thủy và những cửa hàng làm đầu bày hàng chục hàng trăm bộ tóc giả kín mặt tiền.
Dân cư ở đây đa dạng như thế đó, những giống người khác nhau, đến từ nhiều quốc gia khác nhau, mang theo những tôn giáo và thói quen sống khác nhau, trộn lẫn lại tạo thành một khu dân cư đông đúc. Nhưng đó vẫn chỉ là sự trộn lẫn của các nhóm người rời rạc chứ không phải sự chung sống của các cộng đồng dân tộc khác nhau có bản sắc và liên kết nội bộ chặt chẽ. Họ vẫn sống như những cá nhân trong các ngôi nhà đô thị, là những đơn nguyên 4, 5 tầng, mỗi tầng 5, 6 hộ quanh một cầu thang chung như các khu vực khác của trung tâm thành phố. Thỉnh thoảng có những thông báo của cảnh sát về hoạt động càn quấy của nhóm cực hữu nào đó đối với người nhập cư, nhưng chỉ mới ở mức độ hi hữu, chưa phải sự thù địch công khai thường xuyên giữa các cộng đồng, hay băng nhóm về những lý do sắc tộc, tôn giáo trong khu vực. Không thành cộng đồng dân tộc riêng, không xung đột, họ – những cư dân nơi đây – chỉ sống cùng nhau tại địa phương này.

Ilot d’Amaranthes – Thiết kế không gian và đặc điểm cộng đồng

Đa dạng, đa văn hóa, sống cùng nhau và có đôi chút tự phát, đó là những đặc trưng của khu vực này, đặc trưng này được người dân nơi đây ủng hộ, và đòi hỏi đô thị phải đem những điều đó vào trong thiết kế không gian khu vực. Ở giữa đơn vị ở có một khu đất hoang do trước kia thành phố định thực hiện dự án mở đường giải tỏa nhưng rồi lại không thực hiện. Do khu vực thiếu cây xanh và không gian giao lưu công cộng, năm 2004, Galerie Roger Tator, một đơn vị triển lãm địa phương chuyên về thử nghiệm nghệ thuật đã tài trợ cho Emmanuel Louisgrand, nghệ sỹ cảnh quan, thiết kế một khu vườn tạm tại nơi đây. Tên khoanh đất đó là Ilot d’Amaranthes. Sau đó khu vườn chuyển giao cho một hiệp hội địa phương quản lý.  Hình thức chính nửa như vườn rau, nửa như vườn cây cảnh nơi mà cư dân có thể đến và đăng ký trồng một cây gì đó phục vụ thú vui giải trí hay bếp ăn gia đình mình. Khu vườn cũng tham gia vào các dự án cây xanh cộng đồng dành những mảnh nhỏ làm vườn ươm cho giống cây hoa cảnh phát cho người dân trồng ở bờ tường, cột điện trong khu vực. Họ cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu giữa các cộng đồng, các hiệp hội ở đây để tăng cường mối liên kết xã hội. Khu vườn như một ví dụ tuyệt vời về sự vận hành một ý tưởng của những người nghệ sỹ dựa trên nhu cầu văn hóa và môi trường của người dân địa phương.  Emmanuel Louisgrand đã thiết kế hàng rào kim loại màu vàng cam thẩm mỹ tương phản với màu sắc nhạt nhòa cũ kỹ xung quanh để bảo vệ khu vườn tránh bị phá hoại, nhưng hàng rào này chỉ chăng lưới thưa để người dân đi qua có thể nhìn vào trong khu vườn cảnh. Bên trong vườn chỉ đặt duy nhất 1 băng ghế ngồi nghỉ ngơi ngắm hoa lá, có lẽ nghệ sỹ muốn nhấn mạnh sự phân chia trong cộng đồng  không phải rạch ròi mà là sự chia sẻ tự nguyện và lần lượt của những cá nhân trong xã hội nơi đây.

Khu vườn nhìn từ bên ngoài – (Bibliothèque municipale de Lyon)

Săp tới, năm 2014 thì thành phố chính thức cải tạo lại khu đất trống đó để mở thêm không gian xanh và giúp cho khu vực thông thoáng hơn. Thế nhưng hơn 800 đơn kiến nghị chính quyền không động chạm đến khu vườn vì nhiều người dân yêu thích nó. Những cuộc đối thoại giữa thành phố, các hiệp hội địa phương và người dân lại diễn ra, và có vẻ như người dân chỉ chịu nhượng bộ khi thành phố đề nghị biến vị trí khu vườn hiện nay thành sân chơi trẻ em của khu vực, còn toàn bộ khu vườn cũ thì di dời ra địa điểm khác cách đó không xa và bắt buộc phải giữ nguyên ý tưởng thiết kế và phương thức quản lý sử dụng, giữ nguyên giá trị hình ảnh và tinh thần của nó.

Bức tranh tường của họa sỹ Eduardo Kobra vẽ tại Ilot d’Amaranthes về người nhập cư – auteur(s) Daum, Nicolas

Dự án trồng hoa trên vỉa hè cạnh tường nhà của dân địa phương

Advertisement

5 bình luận

  1. […] ví dụ đã khảo sát trong bài viết trước về Quận nghệ thuật 798 (VD1) hay Guillotiere Khu phố đa sắc dân (VD2), khi chính sách của thành phố vấp phải sự phản đối của các tổ chức địa […]

  2. […] thỉnh thoảng muốn thưởng thực hay tự tay làm các món ẩm thực châu Á. (Trích Guillotière – khu phố đa sắc dân […]

  3. […] thỉnh thoảng muốn thưởng thực hay tự tay làm các món ẩm thực châu Á. (Trích Guillotière – khu phố đa sắc dân […]

  4. […] thỉnh thoảng muốn thưởng thực hay tự tay làm các món ẩm thực châu Á. (Trích Guillotière – khu phố đa sắc dân […]

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: