Từ con sông con nước tới tập tính đô thị
Những con sông từ những lạch nguồn khe núi chảy ra biển khai phá thiên nhiên hình thành nên sự sống và mở mang văn minh loài người. Sông cung cấp cho con người những nguyên liệu sơ khai để phát triển, nước để uống, đất đai để cư trú và trồng trọt, cá tôm làm dinh dưỡng và dòng chảy để di chuyển. Những đô thị lớn đầu tiên định hình bên những dòng sông như khởi đầu của xã hội. Cùng với dịch chuyển nhấp nhô bất tận của con nước, những thành phố biến đổi dần theo dòng chảy một chiều của thời gian.
Sông có ảnh hưởng tới sự hình thành và hiện diện trong đời sống hàng ngày của đô thị như thế đó. Ở mỗi thành phố dòng sông chảy qua, biết bao thế hệ nghệ sỹ đã để lại những áng văn hay, những bức tranh đẹp và những vần thơ rung động nhắc đến con sông con nước. Những tác phẩm như vậy được gọi là nghệ thuật liên quan đến địa-tâm lý (psychogeology), một thuật ngữ riêng trong nghệ thuật và cả khoa học dùng để mô tả những tác phẩm, những nghiên cứu về ảnh hưởng của cảnh quan đến nhận thức và hành vi của con người tại địa phương.
Tạm rời những con sông để lan sang câu chuyện về những nghiên cứu đô thị liên quan đến địa-tâm lý, không gian cảnh quan đô thị tác động đến nhận thức, hành vi của con người như thế nào và ngược lại từ cảm nhận, hành vi của con người sẽ có những kết luận gì về đô thị đó?
Đô thị được coi là một không gian tạo ra bởi ba nhân tố phụ thuộc lẫn nhau là con người, các tiến trình xã hội và vị trí không gian ngay tại đó. Trong đó nhân tố con người bao gồm các đặc điểm cộng đồng tại nơi đó, tất cả các vấn đề về hành vi và quan hệ xã hội; Còn các tiến trình xã hội gồm những hoạt động liên quan đến công nghiệp hóa, phát triển kinh tế hay các tiến trình tương tự diễn ra trên không gian địa điểm đang nhắc tới. Và nhân tố cuối cùng về vị trí không gian chính là những vấn đề về cảnh quan không gian, hay những đặc điểm của không gian đó giúp người ta có thể phân biệt được với không gian khác.
Trong ba nhân tố trên thì thông thường khi khảo sát địa lý xã hội, nhân tố con người và tiến trình xã hội luôn giữ vai trò quyết định khi phân tích một không gian đô thị trên một địa điểm xác định. Và địa điểm đó chỉ có vai trò trung tính như các hệ số đầu vào của bài toán khảo sát. Nhưng với cách nhìn xuất phát từ Địa tâm lý thì không như vậy.
Điều gì xảy ra nếu chúng ta coi tính địa điểm hay địa phương của đô thị đó chính là động lực chính chứ không phải một nhân tố thứ yếu khi phân tích. Hay nói cách khác, giả thiết chính của ý tưởng này là không gian địa điểm có những đặc thù riêng biệt mà nó tác động lên và chi phối lên hành vi con người và tiến trình xã hội diễn ra bên trong nó. Cách phân tích này lấy không gian địa điểm làm trọng, đẩy nhân tố con người và tiến trình xã hội vào vị trí thứ yếu, phụ thuộc; Không gian địa điểm đó có những đặc trưng văn hóa lịch sử như một sức ỳ, tồn tại tương đối độc lập so với tác động dân cư và tiến trình xã hội đang diễn biến, sức ỳ đó đóng vai trò quyết định chính cho diễn biến tiếp theo của không gian địa điểm đó. Nhân tố con người và tiến trình xã hội đương đại tuy ở vị trí thứ yếu, nhưng lại có tác dụng vào quá trình bồi đắp, xây dựng đặc trưng văn hóa địa điểm vào những giai đoạn tiếp theo, hay nói cách khác, sức ỳ trên không phải bất biến mà nó biến đổi theo thời gian như một quá trình đào tạo bởi các nhân tố đương đại.
Để nghiên cứu theo cách tiếp cận này thì những nhà nghiên cứu như Martyn Lee áp dụng lý thuyết về Habitus (tập tính) của Piere Bourdieu trong việc hình thành nên khái niệm tập tính đô thị (city habitus).
Theo Piere Bourdieu thì tập tính (habitus) là hệ thống các tâm thế (disposition) bền vững được nội tại hóa nhờ vào các điều kiện khách quan của sự sinh tồn. Đó là toàn thể các tâm thế được học và thẩm thấu (hay nội tại hóa) vào cá nhân. Cá nhân có xu hướng tái tạo các tâm thế đó bằng cách kích hoạt các khung hành vi và thích ứng chúng với điều kiện hay hoàn cảnh mà họ sống.
[pense-bête] : Hơi rắc rối với mớ thuật ngữ và chuyển ngữ hán việt, đại khái rằng Pierre Bourdieu gạt bỏ đi những khái niệm về con người vô thức/ý thức trong hành động, mà tất cả các hành động đều xuất phát từ các “tâm thế”, là cái gì đó có sẵn trong đầu, trong máu thịt ruột rà. Mà cái có sẵn này thực ra là kết quả của quá trình học tập, cha mẹ dạy dỗ, xã hội dạy dỗ nó thấm vào …
Áp dụng vào không gian đô thị, chúng ta coi đô thị như một cá nhân hoặc như một nhóm xã hội có tập tính riêng của mình. Những tập tính này có được nhờ sự hình thành các tâm thế theo thời gian do các điều kiện khách quan của sự tồn tại tác động, hay còn gọi là những hiện thực khách quan về xã hội và vật chất. Đến lượt mình những tập tính này quyết định những biến chuyển tiếp theo của đô thị hay “hành vi”, “ứng xử” của đô thị. Những hành vi này, chúng cũng biến đổi theo thời gian do sự “dạy dỗ” của con người và các tiến trình xã hội đương đại.
Như vậy tập tính đô thị hình thành từ sự hòa hợp của lịch sử văn hóa được tích tụ theo thời gian với các điều kiện khách quan của tồn tại.
Các điều kiện khách quan này, hay các hiện thực khách quan có thể là các yếu tố bên trong hay bên ngoài chẳng hạn như các yếu tố địa lý cảnh quan, khí hậu, đặc điểm nhân khẩu, các đặc điểm thương mại, công nghiệp của thành phố hiện tại, đặc điểm về chính sách và quản lý đô thị hiện hành (yếu tố bên trong); Còn các tác động từ quy mô rộng lớn hơn như vùng, quốc gia hay quốc tế là những yếu tố bên ngoài.
Và cũng như trước kia Piere Bourdieu sử dụng tập tính để thoát khỏi việc chọn lựa giữa lý thuyết cấu trúc không có chủ thể và triết lý về chủ thể, việc áp dụng khái niệm tập tính đô thị khiến các nghiên cứu tránh được việc lựa chọn giữa cách nhìn coi đô thị như chủ thể quyết định tối cao về vận mệnh của mình hay là sản phẩm của các ảnh hưởng từ bên ngoài. Quan điểm tập tính giúp chúng ta xem đô thị định hình như một sản phẩm trung gian của 2 thái cực trên.
Như vậy để bắt tay vào nghiên cứu 1 đô thị có thể từ các đặc trưng riêng biệt hay từ bản sắc của đô thị đó để làm cơ sở khởi đầu. Thành phố đó có những đặc điểm gì, bản sắc gì nổi bật khi so sánh với những đô thị khác. Những nhận xét đó nhiều khi có thể nêu ra ngay được từ sự tổng hợp thông tin truyền thông về nó, chẳng hạn như năng động hay bảo thủ, bình yên hay náo nhiệt, hoành tráng hay đơn giản, cũ hay mới, hoài cổ hay tươi trẻ .v.v. hoặc các đặc điểm xuất phát từ các điều kiện khách quan như sông nước, khí hậu, kinh tế, nhân khẩu .v.v.
Chẳng hạn như nhắc đến Hà Nội là nhắc đến sông Hồng (à vâng, lại quay lại sông nước), con sông cuộn đỏ phù sa màu mỡ nhưng cũng mang lại quá nhiều tai ương nên hệ thống đê chống lũ đã sớm hình thành. Đặc biệt với Hà Nội – thành phố trong sông, nỗi lo lắng vẫn hàng năm hiện hữu mỗi khi tuyến đô Yên Phụ oằn mình chống báo động cấp 3 vào mùa hạ. Trải qua lịch sử thành phố vốn quay lưng với dòng sông đã trở thành thói quen khó thể bỏ. Những dự định về một thành phố sông Hồng theo mô hình Hàn Quốc vì nhiều lý do vẫn không thể thực hiện được, thà rằng hướng về phía tây còn hơn tìm cách sử dụng 500ha ngay gần trung tâm nội thị. Đó có phải do tập tính của Hà nội? Cùng đặc tính sông nước nếu so sánh Hà Nội với Huế – thành phố sông Hương núi Ngự và Sài gòn, đô thị cảng biển và kênh rạch đan nhau thì có thể cảm nhận được ảnh hưởng của dòng sông mặt nước đến văn hóa đặc thù của từng đô thị. Và cùng với những đặc trưng khác, sẽ tạo cho mỗi đô thị một tập tính riêng, có thể dùng để giải thích những biến động của đô thị trong lịch sử và dự đoán sự phát triển trong thời gian tới.
(*) Ảnh trong bài do Ashui minh họa giúp
[…] Để nghiên cứu theo cách tiếp cận này thì những nhà nghiên cứu như Martyn Lee áp dụng lý thuyết về Habitus (tập tính) của Piere Bourdieu trong việc hình thành nên khái niệm tập tính đô thị (city habitus). […]
[…] Nguồn: dothiblog.wordpress.com […]
Người ta vẫn nói Hà Nội là thành phố sông hồ.
Đặc tính này đúng và không ai phủ nhận cả .
Tuy nhiên cách hiểu thì những đại diện cho quy hoạch hiện tại của Hà nội lại đang chạy theo những mô hình của các thành phó hai bờ sông nơi họ từng được đào tạo ở châu Âu, hoặc được tô vẽ bởi những nhà đầu tư từ xứ sở Kim chi mà không hề để ý đến thực tế, dị biệt của Hà nội cả. Các thành phố bến sông trong sách đều nằm ở những con sông hiền hòa, không quá lớn.Cả Seoun cũng vậy. Trong khi đó, sông Hồng với khoảng cách 1,5-2km giữa hai bờ đê thì cả vào những ngày đẹp trời nhất thì nó vẫn là khoảng không mênh mông không thể kết nối. Chẳng biết có ai đã từng thử ra đứng sát mép bờ sông Hồng để chiêm nghiệm thực tế trước khi hô hào lấy sông Hồng làm trục cảnh quan cho quy hoạch Hà nội chưa? Hình như cũng chưa có ai thử ngồi trên xe vượt các cây cầu của Hà nội để mà chiêm nghiệm thực tế là Hà nội, Đông anh và Gia lâm luôn và sẽ luôn là những phần riêng biệt, tách rời thì phải. Hãy cứ tưởng tượng rằng chúng ta có thể đem hàng loạt những Kengnam giăng dọc theo triền đê thì những tổ hợp khổng lồ này cũng chẳng thể giảm bớt sự mênh mông của dòng sông Hồng đi chút nào.
Vậy thì, như chủ nhà đã nói “nhắc đến Hà nội là nhắc đến sông Hồng”. Nhưng dòng song Hồng ở đây không thể là trục cảnh quan nào cả. Sông Hồng là vành đai sinh thái, điều hòa khi hậu cho thành phố. Sông Hồng là chiến hào , là phòng lũy bao bọc và bảo vệ Thăng long-Hà nội trước mối hiểm họa ngàn đời phương bắc. Sông Hồng là dòng chảy mà thần Tản viên sừng sững lấy thân mình nắn những dòng chảy hung dữ khỏi đâm sầm vào vùng đất linh, nơi tụ thiêng khí của dân tộc Việt, nơi mà Lý Công Uẩn đã định đô muôn đời cho con cháu noi theo. Và miền đất bên trong dòng sông Hồng, nơi chúng ta được yên ổn sinh sống, mang tên Hà nội cũng chính vì lý do đó.
Vậy còn sồng hồ của Hà nội là gì? Tất nhiên không thể là dòng sông Cái, con sông bao bọc để tạo nên Hà nội. Muôn đời nay, sông hồ của mảnh đất này là những dòng sông nhỏ, hiền hòa nói những hồ lớn thành hệ thống điều hòa và thoát nước tự nhiên ưu việt cho miền đất mưa nhiều Hà nội. Là dòng Tô lịch trong xanh trong thơ ca xưa. Là dòng Nhuệ giang, Kim ngưu, Lừ Sét nơi chúng ta đang hủy hoại từng ngày từng giờ hôm nay. Đáng tiếc là quy hoach hiện tại đã chẳng có động thái gì ngoài việc hô hào cho có lệ để duy trì và suy tôn cảnh quan “sông hồ” cả.
Cựu chung lại, như chủ nhà đã viết, Hà nội phải nên và sẽ phát triển về phía tây.để đúng với đặc điểm của mình, để gìn giữ bản sắc ” tựa núi nhìn sông” của mình.
Và phải chăng, phát triển trong vòng ôm của sông Hồng mới là thiên mệnh muôn đời của kinh đô nước Việt?
Cảm ơn những ý kiến của anh Vũ Tuấn Dũng,
Trong một bài viết khác về mối quan hệ giữa sông Hồng và Hà nội, tôi có đưa ra một nhận xét là hình ảnh sông hồng đã tách rời khỏi bức tranh Hà nội hiện đại do bức tường bờ đê đã chặn ý thức về hà nội hướng ra sông hồng, do người dân luôn “sợ hãi” khi nghĩ đến những hậu quả to lớn của dòng sông. Điều này đã ăn sâu vào trong “tâm thức” của người dân nên thành phố có muốn triển khai dự án sông Hồng trong tương lai gần cũng khó. Phát triển về phía tây an toàn hơn và đất tốt hơn để xây dựng đô thị kiểu mới.
Vấn đề các dòng sông nội thị thì Hà nội có vẻ thích giải pháp “cống hóa” các dòng sông hơn là nạo vét như tp HCM, điều này thì chính quyền HN “mất điểm” trong mắt người dân, hy vọng HN sẽ học tập. Có lẽ đợi một chính quyền đô thị Hà Nội như Sài gòn chăng?
Chào anh Trần Quang,
Tôi cũng mới chỉ biết blog của anh mới đây và cũng chưa có dịp đọc hết những bài anh viết. Tuy nhiên,, sự cố gắng cũng như cách kiến giải của anh rất đáng để suy ngẫm. Hy vọng anh cho phép thường xuyên ghé qua blog của anh và nếu những comment của mình có làm anh thất vọng thì cũng mong anh bỏ quá cho.
Về việc phát triển Hà nội về phía tây thì thiết nghĩ nếu chỉ làm giống như một phép cộng đại số của những dự án bất đông sản mà người ta đã phê duyệt trong đêm trước khi về Hà nội và hợp pháp nó bằng một quy hoạch tổng thể có quá nhiều phản đối của các nhà chuyên môn và nhân dân thì cũng còn phải xem xét lại. Thực chất quy hoạch Hà nội hiện tại không giải quyết được những vấn đề phát triển cho thủ đô vào thời điểm quan trọng nhất -dịp 1000 năm Thăng long-Hà nội. Cũng chính vì sự bế tác này mà đã sau mấy năm được phê duyệt quy hoạch 2030 tầm nhìn 2050 mà Hà nội chỉ đổ tiền đổ của vào những cây cầu tạm mà không hề có hành động dài hạn nào theo quy hoạch mới. Thật tiệc khi Hà nội đã bỏ lỡ cơ hội để vuơn lên thành đô thị hàng đầu khu vực với một quy hoach có bản sắc độc đáo gắn chặt với lịch sử ngàn năm của mình.
Vươn lên hàng đầu khu vực là giấc mơ hơi xa vời, ngoài 1 quy hoạch tốt chỉ là cái lốt ngoài, hồn cốt bên trong còn là kinh tế và văn hóa. Có vẻ như chính quyền Hà nội không có một ý đồ phát triển mạch lạc và thuyết phục, nhất là không có động lực cạnh tranh, nên đô thị cứ tự phát triển mà thôi.
Tôi thấy việc mốc 1000 năm Thăng Long cũng chỉ để chúng ta nhìn lại vấn đề bản sắc xem nên giữ cái gì và đã mất cái gì đáng quý, còn mốc 2010 cũng không có nhiều ý nghĩa là một mốc quan trọng, điều cần thiết là con đường hướng tới tương lai cần rõ ràng hơn.
Chào anh Trần Quang,
Tôi cũng mới chỉ biết blog của anh mới đây và cũng chưa có dịp đọc hết những bài anh viết. Tuy nhiên,, sự cố gắng cũng như cách kiến giải của anh rất đáng để suy ngẫm. Hy vọng anh cho phép thường xuyên ghé qua blog của anh và nếu những comment của mình có làm anh thất vọng thì cũng mong anh bỏ quá cho.
Về việc phát triển Hà nội về phía tây thì thiết nghĩ nếu chỉ làm giống như một phép cộng đại số của những dự án bất đông sản mà người ta đã phê duyệt trong đêm trước khi về Hà nội và hợp pháp nó bằng một quy hoạch tổng thể có quá nhiều phản đối của các nhà chuyên môn và nhân dân thì cũng còn phải xem xét lại. Thực chất quy hoạch Hà nội hiện tại không giải quyết được những vấn đề phát triển cho thủ đô vào thời điểm quan trọng nhất -dịp 1000 năm Thăng long-Hà nội. Cũng chính vì sự bế tác này mà đã sau mấy năm được phê duyệt quy hoạch 2030 tầm nhìn 2050 mà Hà nội chỉ đổ tiền đổ của vào những cây cầu tạm mà không hề có hành động dài hạn nào theo quy hoạch mới. Thật tiệc khi Hà nội đã bỏ lỡ cơ hội để vuơn lên thành đô thị hàng đầu khu vực với một quy hoach có bản sắc độc đáo gắn chặt với lịch sử ngàn năm của mình.
140118.
Hoàn toàn đòng ý với anh rằng con đường hướng tới tương lai cần phải rõ ràng hơn..
Nhưng thiết nghĩ thời điểm cũng có giá trị quan trọng không thể bỏ qua được. Dân tộc Việt trong quá khứ cũng chỉ vì lựa trọn sai lầm trong những thời điểm quan trong mà đến giờ chúng ta mãi vẫn chỉ là hạng nhược tiểu mà thôi.
Quay lại môc 2010. Đó không chỉ là thời điểm 1000 năm Thăng long-Hà nội. Nó còn là thời điểm dân tộc ta vượt qua ngưỡng thu nhập thấp và bài toán đặt ra là liệu chúng ta co rơi vào bẫy thu nhập trung bình hay không. Chính vì lý do đó mà môt tầm nhìn 2050 cần có một giải pháp khác cho thủ đô một nền kinh tế vào top 20 như các nhà phân tích dự báo.
Như anh viết: “….thông thường khi khảo sát địa lý xã hội, nhân tố con người và tiến trình xã hội luôn giữ vai trò quyết định khi phân tích một không gian đô thị trên một địa điểm xác định. Và địa điểm đó chỉ có vai trò trung tính như các hệ số đầu vào của bài toán khảo sát. Nhưng với cách nhìn xuất phát từ Địa tâm lý thì không như vậy…không gian địa điểm có những đặc thù riêng biệt mà nó tác động lên và chi phối lên hành vi con người và tiến trình xã hội diễn ra bên trong nó. Cách phân tích này lấy không gian địa điểm làm trọng, đẩy nhân tố con người và tiến trình xã hội vào vị trí thứ yếu, phụ thuộc.”
Địa tâm lý hay nói một cách dân gian hơn, thiên về tâm linh hơn thì nó là phong thủy sẽ quyết định không nhỏ đến con đường phát triển. Khi mà đô thị trung tâm của kinh đô của một nước lại không chỉ có thế sát thủy mà lại thêm cả phân thủy nữa thì như các cụ ngày xưa phán thì con cháu chỉ có nước khuyng gia bại sản, ly tán, suy đồi. Chẳng phải thực trạng nước nhà trong những năm sau 2010 đã vắng hẳn những hy vọng mà đầy rẫy những bất cập, suy thoái và suy đồi sao?
Quy hoạch tạo nên giá trị !
Khi người ta vì một lý do nào đó lại lựa chọn một giải pháp không bản sắc, thiếu hẳn hoài bão và khát vọng của dân tộc thì còn đâu động lực mà phát triển nữa.
Washington, Brasilia, Canberra, Putra Jaya, Astana đều là những cái tên gắn liền với những quy hoạch khởi đầu cho một bước phát triển vượt bậc của dân tộc mà những thủ đô này làm đại diện.
Vai trò địa tâm lý mà anh viết quan trọng là vì thế.
Thật tiếc vì tầm nhìn ngắn hạn, vì lợi ích nhóm, vì cơm áo gạo tiền hay còn vì những gì khác nữa mà dân tộc ta một lần nữa lại chọn một giải pháp nhạt nhòa, không bản sắc thay vì một dream city xứng đáng và hoàn toàn khả thi cả về thời điểm cũng như khả năng trong tương lai.
Người Việt luôn tự bỏ lỡ cơ hội.
Và không biết liệu chúng ta có còn kịp sửa chữa hay không?
Cảm ơn vì những chia sẻ tha thiết, tôi thực sự cảm thấy rất vui khi đọc những trao đổi tâm huyết của anh về quy hoạch Hà nội.
Về việc thiếu tầm nhìn hay vì các lý do khác mà Hà nội chọn giải pháp nhạt nhòa thì lý do đó có lẽ dành để cho những nhà quản lý và phát triển đô thị tự soi vào và suy nghĩ. Quan điểm của tôi là vai trò dẫn dắt của thành phố gần như chưa bao giờ “thực sự” tiến hành, hay nói cách khác, chính quyền “chưa phải” là một director cho sự thay đổi đô thị. Thời kỳ thuộc địa thì Pháp đã làm giúp, thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa vì lý do chiến tranh nên ngoài các khu tập thể thì quy hoạch và chỉnh trang bộ mặt đô thị cũng ít có dấu ấn của bàn tay chính quyền. Đến sau thời kỳ Đổi mới thì hoàn toàn Hà nội phát triển do người dân tự bơi và các dòng vốn từ nước ngoài. Đến thời kỳ hiện nay lại hoạt động do các nhóm lợi ích và do tiến trình phát triển bất động sản tràn lan như một quy luật.
Quy hoạch đô thị hiện nay cần nhiều kỹ năng quản lý hơn là thiết kế, vì vậy việc áp dụng tư duy thiết kê ra một tổng thể cho tương lai mà không làm chủ được nguồn lực đầu tư thì dù sử dụng phương án lựa chọn nào cũng sẽ dẫn tới quy hoạch treo.
Vấn đề tích hợp giữa Địa tâm lý và Phong thủy như anh nhắc tới, tôi xin phép trao đổi với anh trong những bài viết khác (tại blog này hoặc qua email), vì nội dung này hứa hẹn còn cần nhiều thảo luận mở rộng hấp dẫn.
Bên cạnh đó, nhân thảo luận về “Quy hoạch cần nhà quản lý hơn thiết kế” tôi cũng muốn chia sẻ ví dụ tình cờ đọc trên báo của chính quyền singapore khi biến những câu chuyện phong thủy trở thành Vốn xã hội đê xây dựng lòng tin cho người dân, làm động lực phát triển đô thị. Mời anh tham khảo để giải trí cuối năm 🙂 http://motthegioi.vn/ly-dich/ly-quang-dieu-da-xay-dung-tau-dien-ngam-theo-phong-thuy-nhu-the-nao-35221.html