Ngày di sản: Câu chuyện tôn vinh di sản và chuyển đổi chức năng ở bệnh viện Hotel Dieu

Ngày chủ nhật 15 tháng 9, “ngày di sản” (Journées du patrimoine) tại Pháp, nơi mọi bảo tàng, lâu đài, nhà hát, nhà thờ, … đều rộng cửa đón khách khứa vào tham quan. Người Pháp luôn khôn khéo trong các hoạt động tuyên truyền văn hóa. Bằng cách mở toang miễn phí những cánh cửa các công trình, bỗng nhiên tất cả lại trở thành lễ hội, người dân bị kéo ra khỏi nhà và nhét đầy vào trong các kiến trúc cổ, để ngắm nhìn, để hiểu thêm về văn hóa và để gật gù tôn vinh di sản.
Ngày di sản được tổ chức vào cuối tuần thứ 3 của tháng 9 hàng năm, bắt đầu ở Pháp từ năm 1984 do bộ trưởng văn hóa Jack Lang đề xướng (ông này cũng khởi xướng ngày Fête de la musique bắt đầu từ năm 1982). Nhưng năm nay nước Pháp còn kỷ niệm 100 năm ngày ra đời của luật di sản, bộ luật là công cụ giúp các nhà quản lý phân loại, và thực hiện công tác bảo tồn đối với các di sản kiến trúc, di sản đô thị, các công trình lịch sử và cả các cảnh quan có giá trị.
Ngày di sản có thể nói là một hoạt động tuyệt với trong việc “ứng xử với di sản” điều rất khó thực hiện khi con người sống chung với lịch sử. Có những tòa nhà kiến trúc cổ kính, nhưng khi vào bên trong lại hoàn toàn tiện nghi và hiện đại, đó là thành công của những kiến trúc sư, kỹ sư đã “cấy ghép” hệ thống dịch vụ mới vào trong những kết cấu xưa cũ. Mọi người đều thoải mái khi sinh sống và làm việc trong đó, nhưng đối với những nhà quản lý văn hóa thì chưa đủ. Cần có những “ngày di sản” để người dân biết thực sự mình đang sở hữu và sử dụng những công trình có giá trị đến mức nào, để giao lưu tri thức kinh nghiệm bảo tồn, phát hiện ra những giá trị mới đáng quý và cũng để những nhà kinh doanh, nhà sưu tập quảng bá cho những tài sản của mình.
Nhưng có những lúc cần xây dựng cái mới để phát triển kinh tế, liệu có cách nào xoa dịu được mối quan hệ giằng co giữa nhu cầu bảo tồn văn hóa và nhu cầu phát triển kinh tế? Những ghi chép sau về dự án chuyển đổi bệnh viện Hotel Dieu của Lyon là một thách thức cho mối giằng co đó. Hotel Dieu cũng là công trình chính tôi đến trong ngày di sản hôm nay.
Thành phố Lyon được tạo bởi 2 dòng sông chạy song song đến và hợp lưu tại đây trước khi chảy ra Địa Trung Hải. Dải đất hẹp, dài có tên Presqu’Ile nằm giữa 2 con sông chạy đến như một bán cù lao cũng là trung tâm đô thị của Lyon từ ngàn năm nay. Do nằm ở vị trí có mối liên hệ giao thông quan trọng ở châu Âu, liên kết với cả 4 phía Đông Tây Nam Bắc, nên số lượng người dồn tới Lyon là khá lớn từ thời La Mã và Trung Cổ. Và với ảnh hưởng của mình thời đó, giáo hội đã xây một tòa bệnh viện nằm trong khu Presqu’ile cạnh sông Rhone, đồng thời xây một chiếc cầu gỗ nối liền 2 bờ sông Rhone ngay tại vị trí đối diện bệnh viện Hotel Dieu. Kể từ đó người ta nói rằng cả châu Âu đi qua cây cầu đó mỗi dịp đi vào trung tâm thành phố Lyon và hình ảnh bệnh viện nằm án ngữ trước khi vào trung tâm đã trở thành thân thuộc đi liền với lịch sử.

Mặt tiền hotel Dieu

Sau này, bệnh viện ngày càng mở rộng với nhiều bác sỹ nổi tiếng và nhiều bệnh nhân hơn, bệnh viện trở thành nơi giao hội của uy tín tôn giáo và y thuật. Sự phát triển về chất lượng y tế của bệnh viện cũng đi kèm với các xây mới, cải tạo và đắp bồi dần giá trị kiến trúc. Nằm sát cạnh dòng Rhone, là cửa ngõ vào khu trung tâm, Hotel Dieu tân trang mặt tiền hướng ra sông để trở thành một Palais du Quais, đặc biệt với thiết kế của Jacques-Germain Soufflot, mặt tiền như các lâu đài thời Louis XIII với vòm trung tâm, toà nhà từng được coi là « le plus bel hôpital du royaume ».
Kết cấu bệnh viện hầu như hoàn toàn bằng đá, bên trong bệnh viện là hành lang kéo dài hun hút với 4 hàng cột đá làm trụ đỡ và những vòm nhỏ. Với chiều dài gần 400m, tầng trệt, nơi đặt những văn phòng chức năng bệnh viện có trần khá cao khiến tôi cảm giác lạnh và tối như đi vào những cung điện bất tận bằng đá nguyên khối thời La mã. Kết cấu tường và cột đá còn rất chắc chắn, nhưng gió và rêu đã phủ lớp vỏ màu đen u buồn chạy loang lổ trên nền đá trắng. Ở giữa khu đất dọc theo hành lang có những khoảng sân trời rất lớn để lấy ánh sáng đồng thời mở ra tầm nhìn tới những tháp chuông nhà nguyện đặt lấp ló đâu đó trong khuôn viên bệnh viện. Và ở chính giữa khoảng sân đó, đang bầy một loạt Pa nô thông báo về dự án di dời bệnh viện để xây dựng một tổ hợp khách sạn cao cấp – thương mại tại đây vào thời gian tới.

Mặt tiền hiện nay

Bức tượng trên cổng vòm chính

Pano quảng cáo cho dự án

Hành lang chính

Dự án được tiến hành rất bài bản và cân nhắc nhiều vấn đề kinh tế – văn hóa. Mảnh đất này rộng hơn 2ha, nằm cạnh bờ sông lại ở trung tâm, đúng là gà đẻ trứng vàng cho những nhà đầu tư. Ý tưởng cũng là đầu bài cho các nhà thầu là sau khi chuyển bộ phận y tế bên trong bệnh viện đi, cần xây dựng tại mảnh đất này một khách sạn 5 sao, 1 khu thương mại hỗ trợ và khối văn phòng cho thuê, sao cho giảm thiểu tác động đến giá trị di sản kiến trúc và cảnh quan khu vực. Không nhà cao tầng, không được phá bỏ kết cấu cũ, mà vẫn phải đảm bảo gia tăng diện tích khai thác để đầu tư có lãi. Mảnh đất có giá trị cao và tầm quan trọng nên thành phố quyết định chỉ chuyển giao cho chủ dầu tư khai thác trong vòng 100 năm, và không cần đầu tư bất kỳ khoản ngân sách nào cho dự án.
Mỗi nhà thầu tham gia đều phải chứng tỏ được năng lực tài chính, năng lực thiết kế và liên kết với một tập đoàn khách sạn lớn để đảm bảo dung hòa giữa phát triển kinh tế, bảo tồn di tích và dự án chắc chắn sẽ vận hành. Thiết kế cuối cùng dành được quyền đầu tư thuộc về dự án Eiffage với kế hoạch xây dựng khách sạn Intercontinental 5 sao, một khu liên hợp thương mại văn phòng và một bảo tàng Y khoa cho Lyon.
Việc xây dựng khách sạn 5 sao, theo thành phố Lyon là cần thiết, để gia tăng khả năng phục vụ cho các hội thảo cao cấp và các hoạt động lễ hội, theo thống kê của vùng thì những tập đoàn khách sạn lớn chỉ nắm 40% số phòng tại thành phố này trong khi ở các đô thị kinh tế trọng điểm tỷ lệ này phải vào khoảng 60%. Để làm được điều đó, toàn bộ tầng 2 của bệnh viện sẽ thay bằng khách sạn với các phòng cao cấp duplex 2 tầng cao đến 6m-7m để tương đương với khoảng cách sàn cao lêu đêu thời trung cổ, cũng có nhiều kết cấu phải phá bỏ nhưng những giá trị kiến trúc đã được dùng để xếp loại công trình thành di sản thì phải giữ nguyên như mặt đứng sông Rhone, các mái vòm và các nhà nguyện.
Dự án thậm chí còn phục hồi lại kiến trúc cổ đã bị thay thế một phần trong thời hiện đại, chẳng hạn như tầng trệt hiện nay là những ô cửa rộng nhưng đóng kín mít được đánh số, nhưng sau này sẽ chuyển đổi thành các cửa hàng thương mại shopping cao cấp. Điều này gần như đã phục hồi thiết kế gốc của Soufflot vốn bố trí khu này là những cửa hàng mặt tiền vào những năm cuối thế kỷ 18.
Mặt đứng hướng ra sông được giữ nguyên, nhưng ở phía ngược lại, một khu tổ hợp thương mại văn phòng cao cấp được xây dựng quay mặt về trung tâm của Presqu’ile, nhưng không phải là những dãy nhà ken đặc, khu đất vẫn phải đảm bảo những lối đi bộ và khoảng sân trời xanh và thoáng trồng những loại thảo mộc tạo nên một khu dạo chơi cho người dân thành phố sử dụng như một không gian công cộng mới tại đây. Không gian công cộng và bảo tàng Y khoa tương lại rộng 4000m2 tại vị trí này là một đóng góp cho thành phố và người dân của dự án, đồng thời tôn vinh những giá trị lịch sử của mảnh đất. Đây cũng là một câu trả lời khéo léo của những người vận hành dự án nhằm thuyết phục người dân khi biến một khu đất bệnh viện phục vụ công cộng và nhất là người nghèo xưa kia thành một trung tâm hiện đại có hơi hướng quá sang trọng và cao cấp.
Dự án dự kiến hoàn thành năm 2016, giai đoạn thiết kế và xây dựng dự án được sự giám sát của SERL công ty tư vấn giám sát đại diện cho Hospices Civils de Lyon (chủ khu đất) và DRAC Rhone Alpes (Direction régionale des affaires culturelles – Ban chỉ đạo văn hóa vùng).

Mặt đứng sau cải tạo (dự kiến)

Đây là dự án tái cơ cấu để nâng cao giá trị khu đất với nhiệm vụ bảo tồn giá trị di sản đặt lên trước hết. Bên thiết kế luôn luôn nhấn mạnh về việc nâng cao phẩm chất vốn có trong lịch sử khi muốn công trình phải gây ấn tượng đối với những người khách đến thăm bằng cách bảo tồn được giá trị di sản nhưng lại có một công năng mới hiện đại và sinh lợi cho tất cả các bên, người dân, thành phố, chủ đầu tư.

Advertisement

One comment

  1. […] Ngày chủ nhật 15 tháng 9, "ngày di sản" (Journées du patrimoine) tại Pháp, nơi mọi bảo tàng, lâu đài, nhà hát, nhà thờ, … đều rộng cửa đón khách khứa vào tham quan. Người Pháp luôn khôn khéo tron…  […]

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: