Khi còn ở đại học tôi thường không phân biệt được nghĩa của các từ urban planning, urbanism/urbanisme hay aménagement, lắm lúc đọc tài liệu mà nản vì không hiểu được sự chuyển nghĩa tương đương giữa những từ đó. Thời đó mạng internet cũng không tiện để tra cứu như bây giờ, mà sách vở thì cũng chỉ có mấy cuốn nước ngoài là quý lắm rồi. Đặc biệt là cái từ Urbanism, ngay cả sau này đọc các bài tiểu luận về Urbanisme của
Le Corbusier hay về
New Urbanism hoặc “Urbanism as a way of life” mỗi nơi nghĩa mỗi khác. Bài này viết ra nhằm để ghi nhớ lại những gì đã đọc về Urbanism cho khỏi quên lẫn và bổ sung thêm.
A. Trước hết về nghĩa của từ Urbanism
1. Ngành nghiên cứu hay đánh giá tiến trình thay đổi của đô thị và thị trấn; nhưng công việc tạo dụng đô thị hay quy hoạch đô thị,
Charles Landry (2000) mô tả Urbanism như “một chuyên ngành để hiểu tính động, nguồn lực và tiềm lực của đô thị theo một cách sâu sắc hơn”
2. Tiến trình đô thị hóa (như là kết quả của phát triển đất ngoại ô)
3. Sản phẩm của quy hoạch đô thị và phát triển.
Andres Duany (2000) mô tả đô thị hóa như “môi trường sống tạo ra bởi cộng đồng”. Là một nhà Quy hoạch mới, Duany coi vùng ven đô là “một phiên bản kém hơn hoặc chưa đầy đủ lâu dài của urbanism”
4. Những kiểu đặc trưng đời sống xã hội của khu vực đô thị. Terry Farrell viết “Urbanism là văn hóa; văn hóa của nơi chốn nào đó”
5. Kiến trúc đô thị, thường được các kiến trúc sư sử dụng.
6. Đặc trưng của công trình mà có không gian nội thất tạo nên một liên tưởng nào đó tới đường phố, quảng trường hay những không gian bên ngoài đô thị.
Đó là nghĩa của từ Urbanism trong tiếng Anh và từ này xuất phát từ Urbanisme trong tiếng Pháp.
B. Urbanisme trong tiếng Pháp chỉ xuất hiện từ những năm đầu tiên của thế kỷ 20, khi dùng để mô tả một chuyên ngành mới sinh ra từ các yêu cầu cụ thể của xã hội công nghiệp. Người Pháp thường sử dụng Urbanisme trong nghĩa để gọi tên chuyên ngành khoa học về tổ chức không gian đô thị bao gồm cả 2 mặt lý thuyết và thực hành.
Trước đây ở châu âu, xuất phát từ những ý tưởng của chủ nghĩa khoa học không tưởng, các ý định quy hoạch và xây dựng thành phố đã được những nhà kiến trúc sư mang ra áp dụng vào thực tế. Cột mốc đầu tiên của chuyên ngành này (khi đó còn chưa có tên urbanisme) phải nói bắt đầu từ La Teoría general de la urbanización (1867) của kỹ sư kiến trúc sư tây ban nha
Ildefonso Cerda. Cerda chính là người đã tiến hành quy hoạch cải tạo đô thị Barcelona từ một thành phố trung cổ vươn mình trở thành đô thị hiện đại. Hiện nay kiến trúc quy hoạch quận
Eixample ở Barcelona vẫn là quy hoạch độc đáo với những ô phố vát góc và những nút giao bát giác thoáng đãng.

QUy hoạch Barcelone từ thời Cerda
Nhưng hơn cả Cerda là một nhà lý luận, cuốn Teoria đánh dấu sự ra đời một chuyên ngành độc lập và khoa học về đô thị. Trong cuốn sách ông viết “Tôi sẽ giới thiệu người đọc để nghiên cứu một đề tài hoàn toàn mới, hoang sơ và tinh khiết. Vì tất cả đều mới tôi đã phải tìm kiếm và phát minh ra một từ mới để diễn giải các ý tưởng mới mà chưa từng được giải thích trong bất kỳ tự điển nào”. Cerda đã dùng từ urbanización để mô tả tiến trình sắp xếp không gian theo hoặc không theo kế hoạch. Ông nói rằng “Thực trạng bao gồm bởi những thứ nguồn gốc ban đầu và sự phát triển không nắm bắt được, tuy nhiên tuân theo những nguyên tắc không đổi và những quy tắc không đổi” . Vai trò của người nghiên cứu là phải phát hiện ra những quy luật tạo ra những hoạt động tự phát chưa nắm bắt đó để tích hợp chúng thành một lý thuyết tổng hợp và áp dụng trong những không gian xây dựng khác.
Chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa thực chứng, chủ nghĩa lịch sử và lý thuyết của Darwin vào thời điểm đó, các phân tích mô tả của Cerda bao trùm tất cả văn hóa qua hai góc độ lịch sử và hình thái. Trong nghiên cứu của ông đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của giao thông và nhà ở. Mới lạ và chất lượng, các nghiên cứu của Cerda đã đưa tên ông vào trong những người đặt nền móng về địa lý đô thị và hình thái học đô thị.
Theo sau Cerda các nước đã dùng từ khác đơn giản hơn để mô tả về urbanización, với Pháp là urbanisme, Anh là City planning hay Städtebau trong tiếng Đức. Chẳng hạn Urbanisme xuất hiện ở Pháp do nhóm kiến trúc sư và kỹ sư xung quanh Eugène Hénard và Musée social. Nó dùng để biểu thị các khái niệm và các đối tượng khác nhau từ công việc kỹ thuật đô thị cho đến quy định chính quyền hay các hình thức đô thị hóa.
Do chuyên ngành này ra đời khi không ít những học giả phương tây chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội không tưởng, nên khi ra đời urbanisme chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hai luồng tư tưởng của chủ nghĩa xã hội không tưởng đó là cấp tiến và văn hóa. Có thể chia lịch sử phát triển của Urbanisme từ Cerda cho đến cuối những năm 1960 thành 2 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất đánh dấu bằng sự thống trị của lý thuyết so với thực hành, giai đoạn thứ hai là giai đoạn đô thị hóa mạnh mẽ nhất là sau thế chiến thứ 2, chứng kiến sự chiến thắng của phong trào cấp tiền và chịu ảnh hưởng của CIAM (Đại hội Quốc tế của Kiến trúc Hiện đại), đặc biệt là Công ước Athène (1933).
Ở giai đoạn thứ nhất, những kiến trúc sư chịu ảnh hưởng chủ nghĩa không tưởng “Utopia” đã đưa ra những mô hình lý thuyết theo các hệ giá trị như tiến bộ xã hội và kỹ thuật, hiệu quả và trong lành, phát triển một mô hình không gian phân cấp, tiêu chuẩn hóa và phá cách.
Mô hình đầu tiên chính là mô hình “thành phố tuyến” của
Arturo Soria y Mata. Với một dải đô thị dài bất tận với bề rộng 500m có đủ cả cây xanh điện nước với lõi giao thông ở giữa. Mô hình của Soria không được ứng dụng nhiều vào thực tế, nó dự kiến xây 80km ở một vùng ngoại ô Madrid tuy nhiên chỉ 5,2 km là được hoàn thành.
Mô hình thứ hai xuất hiện năm 1904 là Une cité industrielle do kiến trúc sư Tony Garnier triển lãm mô tả một thành phố công nghiệp. Các dự án xã hội lại một lần nữa xuất hiện mạnh mẽ khi công trình này lấy cảm hứng trực tiếp từ một tác phẩm rất utopia là “Lao động” của Emile Zola.
Một nhóm các kiến trúc sư – kỹ sư khác xuất phát với góc nhìn bảo vệ văn hóa lại đưa ra những mô hình theo các hệ giá trị là đối lập, phong phú quan hệ con người và giữ truyền thống văn hóa, phát triển một mô hình không gian hạn chế phạm vi, kín và khác biệt. Tiêu biểu như thành phố vườn (Garden Cities of Tomorrow, 1898) của
Ebenezer Howard.
Đến giai đoạn hai của Urbanisme, cái bóng lớn của Le Corbusier bao trùm lên với mô hình Thành phố tươi sáng và công ước Athène (1933). Và đặc biệt quá trình đô thị hóa mạnh mã sau thế chiến 2 cho phép Urbanisme khẳng định vị thế của một chuyên ngành thực hành, trên toàn cầu, ở các nước phát triển cũng như thế giới thứ 3.
TUy nhiên ngày nay, Urbanisme là một cuộc khủng hoảng. Một mặt, kể từ cuối những năm 60, sau sự ran rã của CIAM, nó để bỏ ngỏ về bước tiến tiếp theo trong cả cách thực hiện và nền tảng lý thuyết. Mặt khác, xã hội hậu công nghiệp và kỹ thuật đã làm thay đổi cách thức sống, bắt buộc phải có hình thức quy hoạch phức tạp mà tỷ lệ đơn vị của nó không còn dừng ở kích thước 1 đô thị nữa.
C. Cuối cùng là để phân biệt sự khác nhau của Urbanisme và Urban planning, xin trích mấy dòng trong tài liệu nói trên
Khi các kiến trúc sư xem “kiến trúc đô thị” (Urbanisme) cũng là kiến trúc, song là kiến trúc một quần thể, một khu phố, một đô thị và thậm chí một vùng lãnh thổ hướng vào việc sản xuất ra các dự án không gian ở trạng thái cuối cùng của nó theo sự nhìn nhận và mong muốn của người kiến truc sư quan niệm ra nó. Đó là “quy hoạch đô thị” của trường phái Pháp- Nga
Còn “Quy hoạch đô thị” (Anh Mỹ Urban planning hay city planning) hướng tới một lộ trình (process). Chủ đề của nó lại là một bộ phận của địa ly học có liên quan tới các hệ thống đô thị và vùng lãnh thổ. Còn phương pháp quy hoạch tự nó lại là một kiểu thức quảng lý (management) dành cho các hệ thống hết sức phức hợp. Cho nên tri thức về nó phải mang tính đa tầm (multidimensional) và đa mục tiêu (multiobjective) (Trương Quang Thao)
[…] Khi còn ở đại học tôi thường không phân biệt được nghĩa của các từ urban planning, urbanism/urbanisme hay aménagement, lắm lúc đọc tài liệu mà nản vì không hiểu được sự chuyển nghĩa tương đương giữ… […]