Năm 2000, tác giả William S. Logan xuất bản cuốn “Hà nội: tiểu sử một đô thị” là tác phẩm nghiên cứu về lịch sử Hà nội khá hấp dẫn với góc nhìn kết hợp tổng quát lịch sử, chính trị, địa lý, nhân học, quy hoạch … Vốn là chuyên gia của Unesco về quy hoạch và di sản, những kinh nghiệm tham gia các dự án nghiên cứu tại việt nam và cách khai thác tài liệu minh chứng chính xác, cuốn sách dẫn dắt người đọc tìm hiểu quá trình hình thành của thành phố Hà Nội từ cách đây 1000 năm cho đến đầu thế kỷ 21.
Nghiên cứu tiểu sử thành phố là một nhánh của ngành nghiên cứu lịch sử đô thị. Dòng nghiên cứu này chỉ tập trung vào một đô thị cụ thể, sau đó xem xét tổng hợp các khía cạnh như chính trị, nhân khẩu, quy hoạch, nhân học .v.v., để tìm hiểu lịch sử đô thị đó, và trả lời câu hỏi làm cách nào thành phố trở nên như ngày nay. Cách nghiên cứu này thường coi đô thị đó là đặc thù và có thể được gán cho những đặc trưng áp đặt như những biến độc lập khi tiến hành khảo sát. Có lẽ chính tính chất có vẻ “chủ quan” này nên phương pháp nghiên cứu này rất hay được các nhà sử học sinh sống tại địa phương tự chọn, và gần như những thành phố lớn, những thủ đô truyền thống, sức sống đều có những tác phẩm kinh điển như “London: the biography of a City”, “Paris: a biography of a City”. .v.v. Rất nhiều nghiên cứu nhấn mạnh tính đặc thù đến mức thậm chí có những nhà lịch sử tuyên bố rằng một cộng đồng địa phương nên được nghiên cứu trên những tiền đề riêng của mình và không phụ thuộc vào sự biến đổi của toàn vùng bao trùm hay quốc gia. Và những ví dụ so sánh đô thị này với đô thị khác ít có giá trị kết luận.
Chính vì thế, một nhánh nghiên cứu khác về lịch sử đô thị đã tách ra đi ngược lại phương pháp nghiên cứu mang tính tiểu sử đô thị, đó là nhánh nghiên cứu lịch sử đô thị theo chuyên đề hay “Lịch sử đô thị mới” “the new urban history”. Nếu như nhánh nghiên cứu tiểu sử thiên về kể một câu chuyện về một đô thị xác định, thì nhánh còn lại nghiên cứu theo chủ đề nào đó như kinh tế, nhân khẩu, văn hóa được phân tích sâu bằng cách kiểm tra một thành phố hay so sánh các thành phố với nhau. Như vậy thành phố đó không phải là một biến độc lập khi nghiên cứu và đô thị đó chỉ coi như là một khoanh vùng không gian xác định để tiến hành phân tích.
Trong lịch sử đô thị còn có một mảng nghiên cứu cực kỳ quan trọng là nghiên cứu về đô thị hóa. Quá trình đô thị hóa đã diễn ra ở các nước Tây Âu từ những thế kỷ trước, và hiện nay đang là một tiến trình mạnh mẽ ở Trung Quốc, Việt Nam. Tuy nhiên đô thị hóa không đơn thuẩn là quá trình tập trung dân cư, hay còn gọi là đô thị hóa nhân khẩu. Còn có đô thị hóa cấu trúc lao động và đô thị hóa hành vi đô thị. Hay theo như nghiên cứu của Worldbank thì ở việt nam quá trình đô thị hóa gồm 5 tiến trình chuyển đổi đang diễn ra chuyển đổi kinh tế, chuyển đổi dân số, chuyển đổi không gian, chuyển đổi phúc lợi và chuyển đổi hành chính.
Bản thân khái niệm “đô thị” cũng không thống nhất ở các quốc gia vì sự khác nhau trong tiến trình phát triển đa hướng của các cộng đồng, xã hội khác nhau. Ở các nước phát triển khi tỷ lệ dân cư thành thị đã cao và ổn định thì vẫn đang có những tiến trình diễn biến bên trong các đô thị và vùng ven để hình thành các khái niệm khác nhau như metropolis, metropolitan area, urban region, city region, conurbation, and megalopolis. Còn ở Việt Nam, cũng đang có những vấn đề trong việc tìm kiếm các thuật ngữ chính xác để gán cho các điểm đô thị phân loại tương xứng nhằm đảm bảo phân bổ nguồn lực phát triển. Bây giờ chúng ta đã có 6 loại phân cấp đô thị với hàng chục đô thị được nâng cấp “lên hạng” mỗi năm hay hình thành những khái niệm “vùng đô thị”, “cực phát triển” hay trong quản lý có “chính quyền đô thị”. Nghiên cứu lịch sử đô thị về hiện tượng đô thị hóa có thể trả lời cho câu hỏi khi nào (điều kiện gì) thì đô thị hóa diễn ra, khi nào thì đô thị được lên hạng, khi nào thì trở thành siêu đô thị .v.v.. Rất nhiều đất cho các nhà nghiên cứu lịch sử đô thị đào xới nghiên cứu.