Giao thông đô thị, phụ nữ và thời trang

Thỉnh thoảng báo mạng lại rộ lên những bài viết vớ vẩn về “ngực lép” để khuấy động dư luận. Một cái chủ đề báo lá cải khai thác mãi cũng được, tiếng nói người dự thảo thì không đủ sức thuyết phục, đám đông thì quá bị dụ dỗ vào những cái tít giật gân và có sẵn một bầu ức chế với những gì động đến tự ái và quyền lợi. Giá mà có những nghiên cứu khoa học chất lượng hơn và nhiều chiều, đi kèm với nó là một sự tuyên truyền về chính sách pháp luật thì người dân dễ “nghe” hơn. Nhưng thôi, dù sao thì người dân cũng đang thích phản biện, dù là phản biện kiểu “ném đá”.
Chủ đề này có phần nóng bỏng có lẽ vì cách dùng từ ngữ của báo chí cố ý đụng chạm đến những vấn đề tâm lý của chị em phụ nữ. Trong một đất nước phương đông mà nhận thức về giới tính đang có những cuộc cách mạng nho nhỏ và vừa có nữ cơ phó lái Airbus 321 đầu tiên thì việc cấm người nào “ngực lép” lái xe đáng khiến chị em xôn xao lên thật. Thực tình thì trông thấy bóng dáng mảnh mai của phụ nữ mà lái cái xe to đùng, nếu có bị ngã không chống chân nổi, cũng ái ngại, vừa thương chị em, vừa lo lo cho an toàn của người khác. Có lẽ những vấn đề giới tính cũng cần được xem xét không chỉ trong các quy định mà cả trong các công tác khác như thiết kế giao thông đô thị.
Xin đừng hiểu lưu ý xem xét là cấm, ngược lại, đó là những nghiên cứu và áp dụng vào giao thông để thiết kế một hệ thống giao thông phù hợp hơn với chị em, giúp phụ nữ có thể tham gia giao thông dễ dàng. Một ví dụ, những người phụ nữ có con nhỏ, chẳng bao giờ dám đi xe buýt, vừa đông đúc ồn ào, vừa thiếu tiện nghi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cả hai. Đi xe máy như thường ngày cũng không ổn vì sợ con ốm, cuối cung đành đi taxi cho lành, tất nhiên là chỉ với ai có đủ điều kiện.
Từ trước đến nay hệ thống giao thông của chúng ta vẫn thiết kế cho mọi người. Tức là coi mỗi người là như nhau, bình đẳng để đưa về những module thiết kế tiêu chuẩn. Điều này là đúng, nhưng chưa đủ nếu muốn có những hệ thống dịch vụ chất lượng. Công bằng bình đằng, về giới tính không chỉ là đổ đồng như nhau, mà còn là sự ưu tiên để những người yếu thế hơn có khả năng tham gia giao thông ở mức tương đương với người bình thường. Tất nhiên những vấn đề như thế này về các hệ thống phụ trợ ưu tiên giao thông cho người tàn tật, phụ nữ có thai vẫn được nhắc đến thường xuyên nhưng chưa biến chuyển nhiều.
Nhưng cũng không nên vì thế mà bỏ qua, ít ra là trong những nghiên cứu xã hội học, để sau này làm tiền đề cho những quy định của pháp luật. Thử điểm qua một số đặc điểm giới tính của phụ nữ trong giao thông: Khi đi khỏi nhà, phụ nữ thường có những đặc điểm khang khác với đàn ông, chẳng hạn như hay lỉnh kỉnh nhiều đồ đặc hoặc mang theo con nhỏ. Khi đi thường kết hợp đôi ba việc đi làm, đi đón con, đi chợ nên họ ưa thích những phương tiện linh hoạt. Tuy nhiên họ có tâm lý “ngại” lái xe hơn, hay đi chậm hơn, chủ động đi sớm trước giờ cần thiết. Nghiên cứu trên thế giới cho thấy chuyến đi của phụ nữ kéo dài hơn đàn ông 10-15% thời gian. Còn góc độ kinh tế gia đình thì cái xe máy, ô tô đầu tiên trong nhà thường thuộc về đàn ông, sau đó mới đến lượt người vợ. Khi đi xe buýt hoặc ngay trên đường phố, phụ nữ cũng là đối tượng dễ có nguy cơ bị cướp giật, móc túi, trong khi đàn ông có xác suất để xảy ra tai nạn lớn hơn, đặc biệt việt nam do thói quen rượu bia nhậu nhẹt.
bongmabanngay
Nhắc đến phụ nữ là nhắc đến thời trang. Đây cũng là một đặc điểm cần lưu ý trong các dự án giao thông của thành phố. Coco Chanel có nói “thời trang mà không ra đường phố thì chưa phải thời trang”, ở một góc độ khác thì con người ra đường cũng cần có đôi chút “bóng bảy”. Phụ nữ càng thế, thậm chí họ có thể coi yếu tố đó như một lựa chọn quyết định. Nhớ lại các chị các nàng đã phải đau khổ thế nào khi đội mũ bảo hiểm nồi cơm điện lên đầu che kín hết mặt mũi và làm hỏng kiểu dáng tóc. Kết quả là hàng loạt các loai mũ đèm đẹp ra đời như sự thỏa hiệp giữa nhu cầu làm đẹp và quy định an toàn.
Vừa rồi lại có những câu chuyện linh tinh với chủ đề “Xin lỗi anh chỉ là thằng đi Dream”, tôi nghĩ đấy cũng là một thông tin tuy vô bổ với cộng đồng nhưng đáng tham khảo cho những nhà quản lý giao thông công cộng. Xe cá nhân luôn phát triển, cạnh tranh bằng vẻ ngoài bóng lộn và thuận tiện, nếu chỉ mang những con xe buýt đơn giản, chật chội và nâng cấp hơn hệ thống cũ một chút thì không thể mang lại những cuộc cách mạng trong giao thông được. Bản thân xã hội Việt Nam vẫn đang sống với nhiều mong muốn, mơ ước đôi khi sính “nước sơn” hơn “tốt gỗ”. Có những người không đi xe buýt chỉ vì tự ti, không muốn “mất giá” trong mắt người khác. Đấy cũng là một yếu tố đầu vào quan trọng, nên chăng hãy xây dựng hẳn một hệ thống giao thông công cộng mới hiện đại, tránh những cuộc cải tiến nửa vời để rồi lại tốn kém hơn.
Advertisement

2 bình luận

  1. Hình ảnh minh họa chưa ‘tương xứng’ với quy mô của bài viết.
    (chưa toát lên tinh thần)
    —-
    Xin phép tác giả được sao chép bài viết này!

    1. 😀 ghi nhận ý kiến

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: