Mỗi đô thị là một cơ thể sống động thay đổi từng ngày dưới tác động của các chính sách quản lý, do nhu cầu của người dân và những thuộc tính địa lý tự nhiên của đô thị đó. Mối quan hệ hữu cơ tay ba này là động lực để đô thị trở thành một cá thể sống biến chuyển theo không gian, thời gian và mang những hình dáng, bộ mặt khác nhau, nếu chúng ta quan sát hình ảnh của nó qua một lát cắt tại một thời điểm bất kỳ nào đó. Và cũng như trong thế giới sinh vật phong phú đa dạng do thiên nhiên tạo ra, mỗi đô thị có một bộ mặt khác nhau mang những nét đặc thù theo từng cá thể, và đặc trưng theo từng giai đoạn. Chuyên ngành nghiên cứu đô thị qua các khảo sát, phân tích, giải thích hình dạng biến chuyển đặc trưng – đặc thù đó có tên gọi hình thái học đô thị.
Hình thái học đô thị (Urban Morphology) nghiên cứu về hình dạng và cấu trúc thực thể của đô thị, đặc biệt sử dụng bản đồ hay các bản vẽ tương tự để phân tích cách bố trí các khu vực chức năng của đô thị hay các yếu tố tạo nên cảnh quan đô thị. Năm 1790 thuật ngữ hình thái học được nhà thơ lớn và cũng là nhà tự nhiên học người Đức, Goethe lần đầu tiên đưa ra trong một cuốn sách nghiên cứu về sự biến thái hình dạng của sinh vật học. “Morphé” trong tiếng Hy Lạp cổ tương đương với thuật ngữ “form” trong tiếng Anh có ý nghĩa là hình thái, hình thức, hình dạng … Vì vậy mối quan hệ giữa Urban Morphology (hình thái học đô thị) và Urban Form (hình thức đô thị) khá liên quan tới nhau, thậm chí có thể dùng thay thế nhau trong nhiều trường hợp. Để phân biệt thì Urban Form là hình dáng thực thể đô thị, còn Urban Morphology là chuyên ngành nghiên cứu về hình dạng và cấu trúc bên trong thực thể đó.
Nhà nhân chủng học Levi-strauss đã từng viết trong cuốn Nhiệt đời buồn năm 1955 “Đô thị là nơi hợp lưu của tự nhiên và sản phẩm nhân tạo, nó là đối tượng thiên nhiên đồng thời cũng là đối tượng của văn hóa, của cá thể hay quần thể, đối tượng có thực và lý tưởng: vì vậy đô thị cũng là thứ nhân tạo tiêu biểu nhất”. Đó cũng là điều mà trước đó nửa thế kỷ, nhà địa lý người Đức Otto Schluter quan sát được và đưa ra khái niệm “cảnh quan văn hóa” để khảo sát về đô thị, đồng thời đưa ra những nghiên cứu đầu tiên về Hình thái học đô thị. Theo Schluter, Urlandschaft – cảnh quan gốc, tồn tại trước khi con người làm thay đổi; và Kulturlandschaft – cảnh quan văn hóa, là toàn bộ những biến đổi trên mặt đất do con người tạo ra. Với yêu cầu phải vạch ra được sự biến đổi giữa cảnh quan văn hóa và cảnh quan gốc, Schluter đã giới thiệu một phương pháp tiếp cận phân tích hình thái học của cảnh quan như một sự bổ sung vào chuyên ngành địa lý học và hỗ trợ cho truyền thống nghiên cứu cảnh quan của Đức, vốn rất mạnh vào những năm đầu thế kỷ 20. Quan điểm cảnh quan văn hóa nhanh chóng trở thành trung tâm của chuyên ngành địa lý nhân văn, và trong nghiên cứu đô thị thời đó thì hình thái học đô thị được sinh ra từ địa lý học với mục đích phân biệt, đặc trưng hóa và giải thích về cảnh quan đô thị (Stadtlandschaft.) Các nghiên cứu chủ yếu mô tả về mặt bằng quy hoạch đô thị, loại hình xây dựng, khái quát những vị trí. Đặc biệt là tập trung vào sử dụng kích thước và hinh dáng lô đất và tuyến đường phố nhằm phân loại các khu vực đô thị theo các giai đoạn phát triển. Hãy xem hình vẽ dưới đây, đó là một ví dụ tiêu biểu của việc áp dụng màu sắc vào nghiên cứu hình thái đô thị thời đó, một tấm bản đồ sử dụng đất để phân loại đất xây dựng và số tầng cao trong các khu dân cư trong nội thành Danzig do Walter Geisler – một trong những học trò của Schluter đưa ra năm 1918.

Bản đồ thành Danzig
Tấm bản đồ Danzig sau đó đã ảnh hưởng tới những nghiên cứu của thế hệ các nhà địa lý tiếp theo. Năm 1932, trong một bài tiểu luận đô thị về 12 thị trấn phía đông và Bắc Berlin, cậu sinh viên ngành địa lý Conzen đã thống kê những loại hình sử dụng đất khác nhau được mô tả bằng các màu sắc khác nhau, độ đậm nhạt của màu sắc mô tả tầng cao khu đất. Cậu sinh viên đó sau này rời sang Anh quốc và bằng những nghiên cứu của mình đã đưa chuyên ngành hình thái học đô thị sang một thời kỳ phát triển mới, trở thành một chuyên ngành chính thức và cơ bản của nghiên cứu đô thị. Năm 1957, phương pháp bản đồ dùng màu sắc để thể hiện và phân tích đã được Conzen áp dụng trong một nghiên cứu thị trấn cảng Whitby của Anh, và 2 năm sau, nghiên cứu về đô thị Alwich ra đời với những khái niệm, những lý thuyết mang tính khoa học tiên phong cho một trường phái nghiên cứu hình thái đô thị trong các nước nói tiếng Anh (trường phái Conzen).
Những khái niệm và phương pháp của Conzen đưa ra đã trở thành những lý thuyết cơ sở để những nhà nghiên cứu cảnh quan và kiến trúc sư đi sau dựa vào để mô tả, so sánh, để phê bình và thiết kế. Chẳng hạn như chính Conzen là người đã đưa ra cách tiếp cận 3 trục để phân tích cảnh quan đô thị bao gồm cấu trúc mặt bằng (đường phố, ô phố và các lô đất), hình dáng kiến trúc công trình và cuối cùng là sử dụng đất. Xuất phát từ quan điểm địa lý nhân văn ở trên, Conzen coi trong một xã hội thì cảnh quan đô thị là biển hiện bề mặt của linh hồn xã hội đó, cảnh quan có được là do quá trình phát triển diễn biến của quần thể xã hội tại đó theo lịch sử. Để hiểu được xã hội đó, có thể thông qua phân tích cảnh quan đô thị bằng cách lập bản đồ so sánh 3 yếu tố trên theo các giai đoạn lịch sử đô thị. Những yếu tố này thay đổi theo thời gian, kết hợp với nhau tạo nên hình thái đặc trưng phụ thuộc vào từng giai đoạn.
Ngoài Conzen với trường phái Anh nghiên cứu hình thái học đô thị, ở Châu Âu thế kỷ trước còn có 2 “trung tâm” học thuật khác nghiên cứu hình thái học, nhưng xuất phát từ góc độ khác. Đó là Ý và Pháp với những tên tuổi như Saverio Muratori, Caniggia, Castex, Philippe Panerai. Các nghiên cứu thời kỳ đó tựu chung lại đều quan tâm đến sự phát triển và các giai đoạn của sự gia tăng khu vực đô thị các cách tiếp cận khác nhau, như các khía cạnh không gian vật thể, kinh tế xã hội và văn hóa của hình dáng đô thị. Những năm gần đây thì nhiều nghiên cứu của ngành này đi theo hướng phân tích mối quan hệ giữa hình thái đô thị và quy hoạch để từ đó rút ra những nguyên tắc của phát triển bền vững, quản lý cảnh quan và quy hoạch bảo tồn, và cải tạo các khu đất đô thị. Những chủ đề này đã thay đổi bản chất của phân tích hình thái đô thị đơn thuần sang tập trung hơn vào vai trò của những nhà quy hoạch, phát triển và quản lý đô thị trong việc tác động vào sự hình thành của hình dáng và thiết kế khu đất đô thị. (còn tiếp)
[…] kiểm tra bản đồ không gian biến đổi qua thời gian như thế nào (tương tự Hình thái học đô thị). – Không gian thể hiện “Không gian như sống động trực tiếp thông qua […]
Cảm ơn anh Trần Quang về bài viết rất hay. Tôi đang chờ bài tiếp theo của loạt bài này, mong được thấy sớm…Cảm ơn anh rất nhiều.
cảm ơn anh đã ủng hộ