Nghiên cứu đô thị có thể coi là tổng hợp các nghiên cứu thuộc các chuyên ngành truyền thống khác tập trung vào đối tượng đô thị và cuộc sống cư dân trên đó. Từ đó hình thành nên những chuyên ngành nhỏ lấy đô thị là đối tượng nghiên cứu như Kinh tế đô thị, Quy hoạch đô thị, Địa lý đô thị, Lịch sử đô thị, Nhân học đô thị, Xã hội học đô thị và Tâm lý học đô thị. Trong đó Tâm lý học đô thị có lẽ là ngành có số lượng các nghiên cứu nhỏ bé nhất và thường nội dung của nó được đồng nhất với những nghiên cứu tâm lý học xã hội hay tâm lý học môi trường.
Nếu như tâm lý học xã hội nghiên cứu về các tương tác qua lại giữa các tập thể, giữa cá nhân và các tập thể trong xã hội, thì có thể xem như ở một đô thị là một môi trường mang tính xã hội hiện đại, tiêu biểu hơn, tâm lý học đô thị tập trung vào trả lời câu hỏi Đô thị tác động gì lên các cá nhân cư trú bên trong nó, ảnh hưởng gì đến cái tôi cá nhân, hành vi ra bên ngoài, hệ thống các giá trị và các mối quan hệ của họ.
Lịch sử loài người trong vòng 2 thế kỷ gần đây là quá trình đô thị hóa mạnh mẽ đi kèm với sự phát triển nhảy vọt của máy móc thiết bị khiến môi trường cư trú của con người thay đổi rất lớn.. Một dòng người khổng lồ di chuyển từ nông thôn vào các đô thị cư trú trong một không gian chật hẹp dẫn đến một sự gia tăng chóng mặt các mối tương tác qua lại giữa cá nhân với cá nhân trong đô thị. Điều này tạo nên một sự thay đổi hoàn cảnh bắt buộc con người phải thay đổi hành vi và tư duy của mình.
Ferdinand Toennies sau khi chứng kiến những dòng người đô thị hóa đầu tiên đã viết rằng họ, những người nông dân phải rời bỏ mối quan hệ làng xóm đầm ấm ở thôn quê để đến thành phố của sự lạnh lẽo thiếu thân thiện của nhịp sống đô thị trong cuốn sách “Con người và cộng đồng” (tên được dịch sang tiếng anh của cuốn Gemeinschaft Gesellschaft). Còn trong tiểu luận “Đô thị như một lối sống” (Urbanism as a Way of Life) Louis Wirth có nhận xét rằng người dân đô thị sống thiếu hụt bản sắc cá nhân dẫn đến hời hợt với các mối quan hệ, bạn bè và thậm chí cả người thân. Và Stanley Milgram năm 1970 đã đưa ra một bài báo mang tên “Chịu đựng cuộc sống đô thị” (tạm dịch từ “The Experience of Living in Cities”) trong đó đưa ra một loạt các vấn đề cốt yếu trong đó đặc biệt nhất là lý thuyết thích nghi do sự kích thích của trạng thái quá tải, bài báo này được coi là tuyên bố xác lập nên chuyên ngành tâm lý học đô thị.
Hãy xem những cảm xúc của Milgram trong lời dẫn nhập của bài báo: “Lần đầu tiên tôi tới New York dường như là ác mộng. Ngay khi tôi xuống tàu tại ga Grand Central tôi bị lôi kéo xô đẩy vào trong một đám đông ở phố 42. Thỉnh thoảng có người va vào tôi mà không hề xin lỗi; điều làm tôi hoảng sợ thực sự là khi thây hai con người thực sự đánh nhau để giành một chiếc taxi. Tại sao họ phải vội vàng đến thế? Thậm chí những kẻ say xỉn nằm trên đường phố cũng chẳng ai đi qua chú ý. Con người dường như không còn quan tâm đến nhau nữa.”
Và để giải thích cho tất cả các hiện tượng đó, Milgram đã giả thiết rằng cũng như một hệ thống bị quá tải các yếu tố đầu vào, hệ thống đó bắt buộc phải có một sự chọn lựa ưu tiên các yếu tố đầu vào quan trọng hơn và ngăn chặn các yếu tố đầu vào khác hoặc ngăn chặn tất cả các cái khác. Con người cũng như một cỗ máy, khi ở nông thôn trong phạm vi xung quanh cá nhân đó có ít người, ít sự tương tác nên các mối liên hệ thân thiết sâu đậm. Nhưng khi lên thành phố, mọi chuyện là khác hẳn khi anh ta phải gặp quá nhiều người với tần suất lớn liên tục trong cuộc sống đô thị. Và vì thế anh ta tiết kiệm thời gian và năng lượng cho những đối tượng ít được ưu tiên hơn. Thậm chí bằng việc giữ một thái độ lạnh nhạt, con người thành phố cũng muốn hạn chế, ngăn chặn những giao tiếp với đối tượng xa lạ ngay từ đầu. Tôi bỗng hình dung một hình ảnh so sánh, khi còn nhỏ được bố dắt về quê, dọc đường đi từ bến xe về nhà, tôi phải chào gần 30, 40 người, đều là họ hàng, láng giềng, bạn bè của gia đình. Còn cách đây 2 năm khi đứng ở quảng trường Times trong một ngày bình thường, chỉ trong vòng 5 phút tôi đã đếm được cả trăm chiếc taxi vàng đi qua (mình cũng rảnh rỗi quá ha!) chưa kể những lúc đám đông người đi qua che khuất cả vài chiếc taxi chạy đến. Trong bài báo từ năm 70, Milgram nói rằng một cá nhân có thể gặp 220.000 người trong vòng 10 phút quanh nơi làm việc ở Mahattan bất kể anh ta đi bộ hay đi xe, cũng người đó nếu làm việc ở ngoại ô NewYork thì có thể gặp 11.000 người mà thôi cũng trong một khoảng thời gian tương tự.
Như vậy số dân đông, mật độ cao và đa dạng là 3 yếu tố quan trọng quyết định đến các vấn đề đô thị và cần phải liên kết các yếu tố này tới tâm lý bên trong con người bằng lý thuyết “kích thích quá tải” để giải thích sự thích nghi nói trên.
Bên cạnh lý thuyết nói trên, bài báo của Stanley Migram còn đưa ra những xác lập cơ bản để làm nền tảng cho những nghiên cứu tâm lý học đô thị chẳng hạn như việc coi đô thị là một biến ảnh hưởng đến các hành vi, hiện tượng chứ không đơn giản chỉ là nơi diễn ra những hành vi hiện tượng đó, hay khoanh vùng các nghiên cứu, chỉ tập trung vào phân tích các yếu tố xã hội như mối quan hệ giữa các cá nhân, nhận thức và tương tác qua lại, và cuối cùng là các phương pháp thí nghiệm nghiên cứu.
Các thí nghiệm của Stanley Milgram thường gây ra những tiếng vang lớn trong việc khảo sát tâm lý và xã hội. Không thực sự liên quan đến tâm lý học đô thị, nhưng thí nghiệm của ông về “sáu mức độ khác biệt” (six degree of separation) cũng khá nổi tiếng và là tiền đề xây dựng các mạng xã hội. Theo đó thì bất kỳ quan hệ giữa 2 người xa lạ nào cũng có thể hình thành một mối liên hệ thông qua 5 người trung gian theo kiểu bạn của bạn của bạn của bạn (x5 lần), và không vượt quá con số 6 dù bạn có là ai hay người kia là tổng thống thủ tướng nào đó. Thế giới này thật nhỏ bé. Tuy nhiên Milgram không hẳn đồng ý như vậy, ông nói rằng bạn phải mang ơn đối với 1 số ít người rất đặc biệt vì thực ra có những người quen biết rất nhiều và thường xuyên là cầu nối giới thiệu 2 người xa lạ với nhau. Kết quả này ngày nay vẫn tiếp tục được các nhà nghiên cứu khác thực hiện kiểm chứng, đặc biệt khi các mạng xã hội như Facebook trở nên thông dụng.
Một thí nghiệm khác của ông cũng nổi tiếng không kém là chứng minh được rằng “nhân chi sơ tính bổn ác”, trong một thí nghiệm ông cho thấy rằng nếu không phải chịu trách nhiệm và dưới một áp lực mệnh lệnh, người bình thường cũng thực hiện các hành động ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng người khác. Nhưng đó là những câu chuyện khác, mặc dù đó là câu chuyện lớn nhất của cuộc đời ông, thí nghiệm về “lương tâm con người” hay còn gọi là thí nghiệm Stanley Milgram
[…] tạp hơn rất nhiều. Những thông số đầu vào của các yếu tố xã hội của Milgram gồm Con Người, Nhận thức và Tương tác đã thay đổi hết, vậy bản sắc của […]
[…] (Ghi chú) Ferdinand Toennies sau khi chứng kiến những dòng người đô thị hóa đầu tiên đã viết rằng họ, những người nông dân phải rời bỏ mối quan hệ làng xóm đầm ấm ở thôn quê để đến thành phố của sự lạnh lẽo thiếu thân thiện của nhịp sống đô thị trong cuốn sách “Con người và cộng đồng” (tên được dịch sang tiếng anh của cuốn Gemeinschaft Gesellschaft). Còn trong tiểu luận “Đô thị như một lối sống” (Urbanism as a Way of Life) Louis Wirth có nhận xét rằng người dân đô thị sống thiếu hụt bản sắc cá nhân dẫn đến hời hợt với các mối quan hệ, bạn bè và thậm chí cả người thân. (Trích Stanley Milgram và tâm lý học đô thị) […]
[…] tạp hơn rất nhiều. Những thông số đầu vào của các yếu tố xã hội của Milgram gồm Con Người, Nhận thức và Tương tác đã thay đổi hết, vậy bản sắc của […]