Khi đặt bút viết một tiểu luận hay một cuốn sách về Hà Nội, cũng là lúc tôi thường tự hỏi, người Hà Nội có những bản sắc gì, đặc trưng gì. Đáp án thì có đầy rẫy trên báo chí, phát thanh truyền hình ra rả, nhưng là bài toán đa nghiệm mà mỗi nơi lại liệt kê ra hàng loạt bản sắc kèm theo vô số dẫn chứng hùng hồn và linh tinh khác nhau để minh họa. Khá hoang mang, chẳng biết nên chọn cài gì bỏ cái nào đi để cho vào bài viết. Nghĩ quẩn thì lắm lúc chỉ muốn gõ Google rồi đếm xem có bao nhiêu kết quả số lượng trả về cao nhất thì dùng tạm, tất nhiên cách đó sai lạc đến mức buồn cười. Nhưng cũng chẳng biết tính sao khi trong đầu còn nhiều phân vân cho những câu hỏi về bản sắc.
Tôi thích cách tiếp cận câu chuyện về bản sắc bắt đầu từ ngành tâm lý học. Mỗi con người có bản sắc như một cái tôi của mình. Cái tôi đó là câu hỏi lớn nhất của ngành tâm lý học trong nỗ lực cố gắng dùng não mô tả não, một tiến trình triền miên từ Freud, Jung, Fromm .v.v. Mỗi bộ não kiệt xuất đó lại nghĩ ra một lý thuyết riêng để soi sáng thực tế và để phản biện nhau trên các tạp chí các hội thảo từ lớn đến nhỏ, để lại một khối lý luận chồng chéo hỗn tạp khổng lồ trong con mắt người dân bình thường. Và khi ra đến cuộc sống thì cái tôi trở thành loạn cào cào khi mỗi người lại bổ sung thêm bớt, hòa trộn những ý tưởng cũng rất bình thường khác để tự vỗ ngực và để tán láo với nhau, trong báo chí cũng như bàn nhậu.
Ấy vậy mà những cái tôi cá nhân đó chẳng liên quan gì đến cái tôi của xã hội hay bản sắc tập thể. Nếu hiểu bản sắc của một nhóm người xã hội là đặc điểm chung của họ thì sai be bét, mặc dù chúng ta vẫn thường làm vậy. Chẳng hạn nói các bạn 9x thích Kpop thì lập tức bị ném đá vùi dập dã man vì vẫn còn những người ghét cay ghét đắng, mặc dù trong mắt những người lớn tuổi và báo chí thì thế hệ 9x là thế hệ nhiễm Kpop nặng tới mức có thể dùng đặc trưng đó để phân biệt với các thế hệ khác.
Như vậy là nếu ta “nhân hóa” một cộng đồng thành một cá nhân mang bản sắc nào đó để đánh giá cá nhân thì việc này chẳng có ý nghĩa gì, những sai lầm vô lý sẽ hiện ra ngay lập tức khiến mang lại tâm lý bức xúc nếu bị gán tiếng xấu hay “thơm lây” khi may mắn được mang tiếng tốt. Việc nghiên cứu bản sắc qua đó mang một ý nghĩa chỉ trong lĩnh vực tuyên truyền giáo dục khi xác định được những tính chất tốt và xấu để tác động vào cộng đồng giúp tập thể đó tốt hơn. Và ở góc độ cá nhân, việc tìm ra bản sắc của tập thể giúp xác định được vị trí của mình so với tập thể, cộng đồng đó.
Đó là lý do tôi muốn viết các bài tiều luận về Hà Nội hay xa hơn là một cuốn sách để hiểu được mình là “người Hà Nội” đến mức nào, vì muốn hay không khi sống một thời gian ở đây, Hà nội sẽ ảnh hưởng đến nhận thức và hành động cá nhân mình thông qua các hoạt động xã hội và các tác động qua lại với người khác trong cộng đồng.
Đô thị tác động gì lên con người? hình thành một cá tính? những hành vi riêng? Báo chí thường nói người Hà Nội khôn ngoan, thanh lịch, người Sài gòn năng động, người Huế có đôi chút đài các thơ mộng. Đó là những bản sắc được ghi nhận từ cách đây vài thế kỷ, từ khi các thành phố đó còn là đô thị thịnh trị của thời phong kiến hoặc đô hộ Pháp. Nhưng bây giờ thì sao, khi cá thể trong các đô thị đó đã tăng gấp 10 lần – 100 lần đồng nghĩa với các mối quan hệ xã hội tương tác qua lại cũng phức tạp hơn rất nhiều. Những thông số đầu vào của các yếu tố xã hội của Milgram gồm Con Người, Nhận thức và Tương tác đã thay đổi hết, vậy bản sắc của đô thị sẽ phải thay đổi theo trong thời đại mới này.
Việc tuyên truyền những giá trị cũ dành cho những nhà quản lý, nhưng những giá trị gì đang được xác lập, tốt hay xấu. Cần có những nghiên cứu đô thị xuất phát từ góc nhìn tâm lý học đô thị này.