“Hải phòng dạo này có nhiều anh Phi lắm anh ạ”. Đó là lời kể vui vui của người bạn về “hiện tượng” trường Cao đẳng Bách nghệ mới mở lớp đào tạo cho sinh viên Nigéria học nghề đi biển. Giống như Trung Quốc, Việt Nam cũng ngó nghiêng sang các nước châu Phi để tìm kiếm các thị trường và nguồn nguyên liệu mới. Ngày càng có nhiều người lao động Việt Nam đi khai phá các miền đất mới và ngược lại cũng có những luồng nhập cư nho nhỏ vừa vừa di chuyển đến sinh sống và làm việc ở nước mình. Chúng ta đã có các phố tàu mới ở Bình Dương, chung cư Hàn quốc ở trung hòa nhân chính, nay sẽ có thêm đô thị sinh viên da màu Nigéria Hải Phòng nữa chăng?
Đã lâu lắm không tới Hải Phòng, ấn tượng của tôi về thành phố này khá nhiều và bắt nguồn từ khi tôi còn bé tí cho đến ngày nay. Mỗi chuyến đi về Hải Phòng của tôi đều là một chuyến du hành ấn tượng và là những lần đầu đáng ghi chép lại trong nhật ký của mình. Như lần đầu tiên được đi chơi xa và say xe trên chiếc Com-măng-ca bịt bùng. Như lần đầu tiên được bố dẫn đi biển, lần đi thực tập đầu tiên, lần trốn nhà đi chơi xa đầu tiên, tất cả đều mang cái một cái tên thành phố Cảng. Trong suy nghĩ của tôi Hải Phòng vẫn sống động từ những trang viết của Nguyên Hồng, của Bùi Ngọc Tấn và những câu chuyện kể của những người bạn hiện nay. Có lẽ khi có thời gian sẽ viết dần ra để ghi nhớ lại từng mốc thời gian cuộc đời.
Hải Phòng với tôi đó là thành phố Cảng với lối sống ít phù phiếm và những con người cứng cỏi. Trong những trang sách về Lịch sử đô thị Việt Nam, Hải Phòng được hình thành như một tiền đồn của đất nước hướng ra biển và là một hải cảng quan trọng thay thế phố Hiến trong giao thương hàng hóa Miền bắc cho đến nay.
Hình như chưa có nhà văn nào viết về Bùi Viện, một con người trẻ tuổi góp phần biến tiền đồn Ninh Hải thành hải cảng quân sự được củng cố, đồng thời xây dựng lực lượng hải quân tự vệ đầy tham vọng. Ông này còn là vị khâm sứ đầu tiên tìm đường sang Hương cảng, sang Nhật rồi sang Mỹ để thương thảo những vấn đề đầu tiên về bang giao 2 nước. Tư duy vị quan này đã hướng về phía biển rất xa và tầm nhìn đầy tính canh tân. Đáng tiếc lại mất sớm.
Đô thị Việt Nam vẫn vậy, cái tư tưởng nông thông khép kín quá lớn khiến con người chẳng muốn đi đâu ngoài lũy tre làng, nên yếu tố “tạo thị” chủ yếu chỉ là ý chí “dựng đô” của chính quyền phong kiến. Các thành phố ngày nay đều xuất phát từ những quyết định xây dựng các trấn, phủ, dinh, đồn để cai trị và phòng thủ xưa kia chứ gần như chẳng có nơi đâu là đô thị tự phát. Và khi yếu tố hành chính mất đi thì đô thị đó cũng bị nông thôn hóa dần dần và tan vào lịch sử.
Nhưng điều đó có đúng với các đô thị thương cảng? Năm 1890 số người Việt ở Hải Phòng chỉ chiếm 57% dân số, còn lại toàn dân buôn bán từ châu âu, người hoa và Nhật bản. Nếu không phải đô thị hành chính thì thương cảng như Hải Phòng có thể tự phát được không?
3 miến Việt Nam xưa kia có 3 cửa ngõ thông thương lớn là Sài gòn gia định, Hội An và Phố Hiến, đến nay đã có những sự chuyển giao nhiệm vụ trong từng đô thị. Chỉ còn Sài gòn là đi lên mạnh mẽ, còn Hội An đã nhún mình nhường cho Đà Nẵng và Phố hiến đã “biến mất” để xuất hiện Hải Phòng.
Nhắc đến thương cảng đô thị cổ thì phải nhắc đến người Hoa và sự thống trị về buôn bán (lúa gạo) của họ tại các thương cảng Việt Nam trước kia. Do những biến động lớn của lịch sử mà người Hoa ở Hải Phòng đã từng có sự biến đổi về số lượng khá đột ngột. Nhưng chắc vẫn còn để lại những dấu ấn trong đô thị Hải Phòng.
Trong ngôn ngữ địa phương, những từ ngữ như “chí chương” “sủi dìn” do người Hoa để lại cho Hải Phòng vẫn là đề tài trêu đùa của tôi với những người bạn. Liệu Hải Phòng có còn sót lại đạo quán hay kiến trúc gì của người Hoa chăng, chưa lần nào về Hải Phòng tôi để ý đến điều đó. Có lẽ phải đi nhiều hơn nữa.