Lễ Vu lan, là hoạt động tín ngưỡng lớn của người phương Đông, đặc biệt là những người ít nhiều theo đạo Phật. Lại phải dò dẫm tra cứu tuyến buýt đi từ trung tâm thành phố đến chùa. Ngôi chùa của vùng này nằm ở một xã nhỏ cách trung tâm 25 phút đi xe, trên một quả đồi xanh nhơ nhỡ trong vô số các đồi to nhỏ chạy dọc sông Rhone. Chùa Việt Nam nên mọi thứ cũng như ở nhà và cái tâm thức đi chùa của dân tình cũng vậy. Cứ đến hẹn lại lên, mùng một ngày rằm dành cho các bà các cô thạo tu tập, còn những ngày lễ lớn như Phật Đản, Vu lan, năm mới thì chùa trở thành trung tâm lễ hội, thành mái đình cho dân tình châu á tìm về. Đi xe buýt lên chùa vào dịp này chẳng khác gì ở Việt Nam, cả xe râm ran toàn tiếng Việt, những mái đầu đen với nước da vàng và tầm vóc nhỏ bé, những gương mặt vừa quen vừa lạ không biết đã gặp ở đâu, muốn tươi cười chào hỏi, xong lại sờ sợ quê quê.
Nhiều người Việt, ấy là bởi vì chùa ở Lyon là chùa Việt Nam, do bà con người việt chiếm phần lớn và do các trụ trì là người Việt Nam xây dựng lên. Phật giáo ở á đông lan truyền sang châu âu bằng dòng người nhập cư chạy sang xứ này. Không biết có lôi kéo được thêm nhiều Phật tử tây hay không, nhưng số người đi lễ thì vẫn tăng dần dần do lượng người sang đây học và định cư vẫn đều đều ổn định. Cùng là đạo Phật, nhưng mỗi nước á đông lại mang những đặc trưng riêng của tôn giáo mình theo sang. Việt Nam có Nguyên Thủy, Thiền, Trung Quốc có Tịnh Độ, Nhật bản có Thiền, còn các nước Tây tạng là Mật tông… để rồi vì những tông phái khác nhau, và vì cả những lý do ít nhiều mang tính lịch sử và chính trị, mỗi ngôi chùa lại có những khác biệt riêng cho mình.
Chùa Thiện Minh đẹp, như một số các chùa khác trên đất Pháp. Tọa lạc trên đỉnh đồi, đi qua cổng tam quan phật tử sẽ leo 108 bậc cong cong để dẫn lên tòa nhà chính điện. Cách xây dựng sân vườn giật cấp dọc theo triền đồi được bố trí khá tốt, đủ cả diện tích cho gara, vườn cây, ao sen, vườn tượng phật nhập niết bàn, phật phổ độ chúng sinh .v.v. Chính giữa lối lên là bức bình phong lớn chia con đường làm hai đưa chân người khách cung kính đi vòng qua sau lưng bức tượng lớn Quan âm cứu khổ để lên nhà chính. Có cái gì đó mang dáng dấp của nhà vườn HUế trong cách bố trí này, khác chút chút về độ dốc địa hình, như người ta trải dài khu vườn huế như một tấm thảm lên trên sườn đồi vùng St Foy les Lyon này. Cây cối, ao sen hoa trái đẹp, vừa tây vừa ta, được chăm sóc tốt. Một bông sen đang nở ngay dưới chân bức tượng Quan âm khiến tôi hơi ngỡ ngàng về sự sinh hóa hồn nhiên. Vườn không chỉ đẹp vào xuân hạ, ngay cả mùa đông lên đây, tuyết trắng phủ trắng xóa trên những cây gầy guộc và kim tượng bồ tát cũng khoác cho khu vườn vẻ đẹp của sự thuần khiết. Vườn đẹp, nhưng kiến trúc chính điện thì có phần bình thường. Hình như tòa nhà bắt buộc phải giữ lại hình thái kiến trúc của một villa 2 tầng như các nhà lân cận trong vùng, chỉ được sửa sang chút chút để trở thành điện thờ. Chùa có 2 tầng, phía dưới là nghỉ ngơi, ăn uống, tụ họp của phật tử, như một salle công cộng chuyên phục vụ bà con cơm chay vào những ngày lễ lớn với lời huấn thị nghiêm khắc to đùng “Giới luật còn là Phật Pháp còn”. Tầng trên mới chính thức là không gian lễ bái tâm linh với các ban thờ, quả chuông và chiếu lễ.
Tôi đến chùa thường chọn những lúc ít người, thậm chí chẳng có ai, chẳng có bà con phật tử, chẳng có đồng hương và thậm chí chẳng có cả chư tăng trong chùa. Chỉ có một khung cảnh thoáng đạt của vùng đồi núi xứ Rhone alpes, một ban thờ chính điện yên ắng và một vườn hoa tượng được bố trí khéo léo cho khách vãn cảnh. Phật dạy “Người tu phật phải vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai”, ngẫm lại thì mình đúng là người vô thần, tuy có tâm muốn hướng về đạo Phật nhưng chẳng thực hành lấy đạo Phật được một ngày, chỉ đọc những lời giảng kinh kệ như kẻ tò mò, mà thực hành động thì bê bối, si mê, không tha thứ được.
“Que faire d’une âme, s’il n’y a ni Dieu ni Christ” một tâm hồn phải làm gì khi không có chúa cũng chẳng có đấng cứu thế nào? Cũng vào năm 32 tuổi, André Malraux đã đặt ra và giải đáp câu hỏi này khi ông rời Việt Nam về lại đất pháp. Đáp án là hãy trở thành một anh hùng. Nhưng đó là câu chuyện của thời trước, câu chuyện khi á đông như một khu rừng thẳm cho chàng “Indiana Jones” Malraux khai phá, còn châu âu là một nồi áp suất của cách mạng và lý tưởng. Hoàn cảnh bây giờ khác rồi, đã là thời kỳ hậu windows, hậu ipad, thời kỳ mà khoa học đã vén gần hết lớp màn thần bí của tôn giáo Abraham. Thời kỳ vườn địa đàng phía đông bị cày nát bởi cuộc đua tăng trưởng kinh tế, thời kỳ mà các xã hội lý tưởng thi nhau sụp đổ mang theo niềm tin của lớp người cách mạng thế kỷ trước. Khoa học thì phát triển mang lại sự tàn phá và trống rỗng trong tâm hồn của từng con người cô độc. Chính lúc này niềm hy vọng mong manh nào đó về niềm tin và tâm linh cần có những tia sáng mới. Đạo Phật chăng?, chẳng phải người ta vẫn nói đạo Phật gần gũi với khoa học nhất còn gì?
Bản thân Malraux sau này, khi đã thành danh thành một nhà văn, một bộ trưởng, người ta lại gán vào miệng ông những câu nói “siêu hình” hơn mà bản thân ông cũng ít nhiều thừa nhận. “Thế kỷ 21 là thế kỷ của tâm linh hoặc không là gì cả”. Câu nói đó đã trờ thành một “thánh dụ” trong niềm tin vào tương lai của con người. Tâm linh không biến mất trong quá trình hiện đại hóa, nhưng chỉ biến dạng và có thể đưa ra những giải đáp khả tín cho những lo âu xã hội phát sinh từ xã hội hiện đại’. (như B. Etienne và R. Liogier đã nói).
Như vậy là sau hơn nửa thế kỷ, như tôi vẫn dẫm lên bước chân của những người theo chủ nghĩa hiện sinh cũ kỹ, chưa có gì mới, lý do chính là do năng lực tiếp thu có hạn và vốn triết học ảm đạm nghèo nàn. Trong khi quá phân tán trên những con đường thăm thẳm, ta quên đi trách nhiệm bản thân và những giá trị truyền thống. Để rồi lại mơ hồ giữa việc nên quay lại truyền thống hay nhấc chân bước tiếp.
Đạo Phật là một thí dụ, ngày nay tần suất ra đời các bài đối thoại giữa đạo phật với khoa học ngày càng nhiều, như để minh chứng cho những giá trị chúng ta theo đuổi suốt ngàn đời nay là hoàn toàn chính xác. Yếu tố tích cựhc nất của vấn đề là sự mới mẻ của thần học cho phép theo kịp những tiến bộ của triết học, nhưng ở góc độ nào đó là sự ngụy biện khi tự an ủi rằng phương đông không thua kém phương tây bao nhiêu. Có lẽ cách hành xử này sẽ khiến chúng ta ngày càng thủ cựu với những giá trị cũ và mãi vẫn chưa sản sinh ra được cái gì mới.
Chẳng biết cái hấp lực đồng hóa thủ cựu này sẽ còn mạnh đến đâu. Hy vọng rằng sớm sinh ra được cái gì mới tốt đẹp trong niềm tin của con người, đồng thời vẫn giữ được những giá trị tốt đẹp. Ví dụ ngay như lễ Vu Lan này. Có lẽ Lễ vu lan là sự đồng hóa tuyệt với nhất của đạo hiếu với tư tưởng của Phật giáo về nghiệp, duyên, kiếp.
Khi tôi kể rằng đại lễ Vu Lan như một lễ tạ ơn cha mẹ mình kiếp này và cả 7 kiếp trước như theo kinh của Phật, các bạn tôi đều không biết đến cái truyền thuyết về 7 đời trước kia, chỉ biết rằng đến ngày là ăn chay và lễ. Lễ cho sức khỏe cha mẹ và cầu cho vong nhân siêu thoát chung chung. Lễ có thể không trọn, nhưng tâm thành kính. Theo tôi nghĩ đó là do truyền thống hiếu lễ trong gia đình của chúng ta, chứ các câu chuyện tôn giáo cũng chỉ là cái cớ để giải thích cho dễ đồng hóa nhau lại mà thôi.