Cái xã nhỏ xíu nằm cách thành phố lớn cả chục cây số, trèo xuống xe chỉ thấy 1 không gian vắng lặng, mùa hè cơ mà. Cũng như các thị trấn nhỏ khác, ở đây rệp biến đâu hết, trai tráng thanh niên cũng không thấy, chỉ lác đác các cụ bà buôn chuyện đầu ngõ và vài đứa trẻ đi xe đạp nhúc nhích trên đường. Tôi tới đây với hy vọng lục tìm được 1 cánh đồng hoa hướng dương hay lúa mì lúa mạch gì đó để trải dài tầm mắt trong cái khung cảnh màu vàng rực rỡ của nắng và cỏ cây. Nhưng hẫng hụt. Nằm cạnh sông Rhone nhưng địa hình ở đây lại nhấp nhô đồi núi nên lúa má hoa hoét chẳng có cái gì hoành tráng. Chỉ có chút chút thú vị ở những khúc đổ dốc bốc leo đèo lặt vặt của chú lái xe bus. Vì nằm trên những quả đồi chạy liên tiếp dọc theo thung lũng sông Rhone, nên đứng ở đâu trong xã cũng là một cao điểm nhìn xuống dòng sông và các ngọn đồi bên cạnh. Những mái nhà lúp xúp quây quần bên nhau như đồ chơi xếp loanh quanh trên những quả đồi.
Sông Rhone sau đoạn hợp lưu ở Confluence với đầy những building theo phong cách đương đại đến khúc này lại tạm thời tách làm hai dòng chính phụ chảy vòng quanh một cù lao. Đứng bên này sông chỉ nhìn thấy cù lao xanh um, cây cối xum xuê, mặt nước phẳng lặng che phủ lớp bùn đất sánh đăc phía dưới. Sát bờ sông một eo đất hẹp nối liến với các vila nửa thôn quê nửa quý tộc của Grigny với dòng phụ của Rhone. Ở gần bở không có cá, chỉ có màu tôi tối của nước do khuất bóng lâu ngày, tương phản với cái nắng chói chang 31oC phía trên cao. Nhìn sang phía cù lao có vài bóng chim lướt là là mặt sông, lâu lâu lại đập cánh bay lên cây đậu nghỉ. Có cái gì đó làm tôi nhớ tới Mỹ tho. Không có dừa hay mấy chị tóc dài áo bà ba, chẳng có võng mắc dọc ngang và tiếng đờn ca tài tử, Nhưng có cây ăn quả. Quả dại. Những cây abricot dại mọc đầy lối đi đang mùa sai quả rụng xuống đường là tả. Ăn quả thứ nhất thì thịt ngọt vỏ chua, sau quả thứ 2 là ngọt hoàn hảo khi cái miệng đã quen với vị của nó. Tha hồ giải khát. Đâu đó vẫn còn những bông hoa bồ công anh đã bắt đầu khô khốc nhưng vẫn ế ẩm không được ngọn gió nào nâng đỡ bay đi. Tháng 8 rồi còn gì, vẫn còn lưu luyến mảnh đất này hay nơi này quá khuất gió vì khu rừng? Cầm một bông bồ công anh mà thổi nó tung tóe, trong đầu tôi lại nhớ lại câu chuyện học bổng của Đà Nẵng và Bourse Explora của Rhone Alpes. Biểu tượng của Bourse Explora là những cánh hoa bồ công anh tung bay. Đến giờ tôi vẫn chưa giải thích được tại sao học bổng Explora lại được trao cho người khác vùng, khác quốc gia. Thật rõ ràng mà vẫn khó hiểu với tôi.
Không có gió thì có ong, những tổ ong xinh xinh được làm từ khúc gỗ xếp đều nhau trong cái hộp vuông vức khiến lúc đầu nhầm tưởng là nơi chứa củi. Trông chúng như nơi thờ cúng thần rừng. Đây là dự án UrbanBee của tổ chức nào đó, nuôi ong để giữ gìn đa dạng sinh học. Những con ong may mắn. Ở cái xứ này dễ thương thật, con ong cũng được offert một công việc tốt và cấp nhà “công vụ”. CHợt nhớ tới cái lý thuyết đô thị của một bà nào đó, khi tuyên bố cần phải xem đô thị như một hệ sinh thái tới cấp độ vi rút, xóa bỏ thế duy ngã độc tôn của con người trong nhận thức xây dựng. Lại chợt nhớ tới ông nhà báo nước ngoài nào đó théc méc tại sao ít có tiếng chim tiếng chó ở thành phố việt nam. Chó ăn sạch, Hoa còn bị vặt sạch thì đừng hỏi đến ong. Các bé nhà ta sau này lớn lên chắc chẳng biết mặt mấy chị ong nâu nữa rồi. Các bé bên này thì cũng còn tùy vào “nỗ lực của chính quyền và thành viên cộng đồng” như thế này. Hôm trước tình cờ đọc được một quảng cáo trên leboncoin “Cần tìm cánh đồng hoa hướng dương gần Lyon cho bầy ong, hãy liên hệ để có chất lượng dầu hướng dương Bio tốt hơn”, những người nông dân đang tìm nhau. Nhưng giá nông sản Bio vẫn đắt vời vợi trong siêu thị chứng tỏ họ vẫn còn đấu tranh chật vật lắm. Ngoài hoa bồ công anh thì chỉ còn gặp hoa cà rốt dại. Những bông hoa bé li ti quây quần trên 1 cành như một nhà đông con kết lại thành một đám mây xòe tán. Ai chưa ăn sáng có thể nghĩ đến một đĩa xôi nho nhỏ dập dềnh trên đó có một hột tim tím làm tiêu điểm. Hoa cà rốt không rực rỡ, nhưng cũng đủ làm sáng một khoảng cây cỏ ven sông. Vẻ đẹp giản dị của nó len lỏi mọi khoảng trống hốc đá, bờ sông cũng như những chú kiến cần mẫn lang thang trong rừng nhặt quả rụng, như nhắc nhở một sứ mệnh của một thứ hữu hình đang tồn tại và biến thể. Chợt nhớ những câu thơ haiku của Sodo “Ai để tâm mà ngắm, Đóa hoa cà rốt dại, Giữa mùa hoa anh đào”. Lần đi Grigny hôm nay cũng như đi ngắm một đóa hoa cà rốt vậy, đẹp bình thường, trắng bình thường, đâu cũng có, nhưng có gì đó nhẹ nhàng dễ chịu.