Đi Aix les bains thế quái nào lại vào ngày 1 tháng 7 âm lịch. Lãnh ngay một trận mưa rả rích sụt sùi như mối tình Ngưu Lang chức nữ. “Mưa ngâu” chăng? Nhưng cái mưa ngâu ở đây là sự pha trộn từng chập của cái mưa bay bay đủ để người ta phải mang dù với những đợt gió hồ lồng lộng tạt ngang. Tội nghiệp mấy cụ già đi đường quen xài ô to như loại dùng bãi biển, khệ nệ vác đi thỉnh thoảng lại bị gió dạt liêu xiêu.
Là một thành phố nhỏ nghỉ đưỡng, mà là dưỡng già dưỡng bệnh, nên vào buổi sáng Aix les bains có một bộ sưu tập các cụ ông cụ bà đi lại trên đường. Các cụ tóc trắng, da đồi mồi, nhưng lại mặc quần màu hường và dắt tay nhau đi trẻ trung thắm thiết lắm. Người già ở Pháp có cách sống khác việt nam, cụ ông không gia trưởng, cụ bà không lỗi mốt, vẫn đi chung trong mưa dạo quanh hồ với “chiếc ô che đầu là nón lá”. Có lẽ vì gặp nhiều người già quá, hay vì dáng đi chầm chậm thong dong ven hồ của họ, nên có cảm giác phong cảnh ở đây như một vũng lặng tích tụ của thời gian, nhất là mặt hồ.
Hồ đẹp. Không phải cái đẹp của bể nước trong xanh mở ra khoảng rộng với thuyền buồm tấp nập như ở Geneve, cũng không phải mặt nước lấp lánh chan hòa ánh nắng với bãi cỏ rộng xanh ngắt liếm sát mặt hồ như Annecy, mà là cái đẹp của sự bất biến. Dẫy núi quá sát mặt hồ che bớt ánh sáng và mang màu xanh lục của rừng cây đổ bóng xuống hồ tạo thành một làn nước màu xám xanh như màu mắt giai nhân.
Cái hồ có tên gọi Lac du Bourget được tạo thành bời sự quây vòng sát sạt của các dãy núi Jura, Bauge và tiếp nước xuống hồ bằng những dòng suối của mình như những robinet không bao giờ ngắt. Cứ nhìn những chiếc khăn mây trắng xám quàng quanh sườn núi là đủ biết nơi đây “ít có thiếu nước”. Nguồn nước từ núi sẽ được tích tụ trong hồ cho dân “nghỉ ngơi đi bơi an dưỡng” sau đó chuyển về sông Rhone qua một con kênh nho nhỏ. Và Aix les bains, cái “bồn tắm nước” này là một xã nhỏ đã khai thác Lac du Bourget để xây dựng một nơi nghỉ dưỡng kha khá nổi tiếng ở Pháp. Chính tại Aix les bains, bên cái hồ nước màu xám xanh như mắt người yêu kia, Lamartine đã gào khóc thương nhớ người yêu với bài thơ “Le lac” của mình.
Chuyện kể rằng trong một dịp đến đây nghỉ dưỡng, chàng thi sĩ gặp một phu nhân khác cũng đến dưỡng bệnh và đem lòng yêu mến hẹn hò, để rồi một năm sau chàng quay lại thì người xưa đã khuất bóng. Khung cảnh cũ mà người đã khuất, nhớ lại những phút giây hạnh phúc mà nhà thơ đã gửi nỗi niềm vào những câu thơ bất hủ
Ô temps, suspends ton vol! et vous, heures propices,
Suspendez votre cours!
Laissez-nous savourer les rapides délices
Des plus beaux de nos jours!
…
Aimons donc, aimons donc! de l’heure fugitive,
Hâtons-nous, jouissons!
L’homme n’a point de port, le temps n’a point de rive;
Il coule, et nous passons!Thời gian hỡi xin ngừng cánh lại
Tháng ngày ơi, chớ vội vàng trôi!
Để ta hưởng trọn niềm vui,
Những ngày đẹp nhất cuộc đời trần gian.Hãy yêu đi, yêu nhanh, hưởng vội
Có chi bền mà mải mộng mơ
Bờ chẳng đợi, bến không chờ,
Con người ta với thì giờ qua mau(Bản dịch của Trần Mai Châu)
Đọc Lamartine đúng là “ướt át” thật, khi lãng mạn chuyển sang nuối tiếc sầu cảm, tị nạnh với thiên nhiên về sự vĩnh cửu và đâm đầu vào khoái lạc. Những câu thơ trên được in trên postcard mà tôi gặp trong một quầy hàng bán đồ lưu niệm nằm lắc lư trong một con thuyền. Người Aix les bains cũng rất biết khai thác Lamartine trong du lịch đê tìm ra những khác biệt với hồ Annecy và hồ Leman gần đó. Đúng là khi đã quen thuộc với thiên nga, mặt nước mây trời thì những vần thơ của thi sỹ cũng là sự lựa chọn tốt để lưu giữ kỷ niệm.
Lamartine còn có một bức tượng đặt tại công viên thành phố. Công viên này khá đẹp, trồng nhiều hoa, được bố trí sinh động và nhiều tượng, toàn tượng chim chóc, cú, hạc, hình như chỉ có ông Lamartine là … người. À, còn có một bức tượng phụ nữ bằng gỗ, do người ta cắt ngọn và tạc thẳng lên một cây cao mọc trong công viên, trông như nàng tiên cá. Khá ngộ nghĩnh.
Aix les bains cũng ít nhiều thứ liên quan đến điêu khắc, nghe đồn bảo tàng Mussée Faure ở đây có 1 bộ sưu tập của Rodin, trong đó có “L’homme qui marche” nhưng thiếu tiền vào bảo tàng nên không xem được, đành chụp lại bức tượng của Boucher ở bên ngoài. Tự an ủi là ta không quan tâm đến điêu khắc lắm, không xem được Rodin thì xem Boucher, 2 lão cũng là bạn bè với nhau cả, Boucher còn giới thiệu Camille cho Rodin kia mà. Một câu chuyện tình đẹp và bi kịch khác.
Tôi thích tòa Mairie ở Aixlesbains, khác các tòa thị chính khác có kiến trúc đặc thù hình chữ nhật cân đối đứng chắn quảng trường thường gặp. Hotel de ville ở đây trông như một lâu đài nho nhỏ có mặt tiền gồm 3 đơn nguyên vuông góc nhỏ nhắn như một dấu mũ xin xắn của chữ cái úp lên quảng trường. Dấu ấn của Ý để lại sâu đậm trong kiến trúc tại đây, Có cả một cổng vòm La mã từ thế kỷ thứ nhất được dựng lên vẫn nằm sừng sững xù xì ngay giữa trung tâm. Kiến trúc các công trình khác là những khúc biến tấu từ phong cách Ý kết hợp với địa hình đồi núi loằng ngoằn khiến đi bộ ngắm cảnh ở đây phải rất cẩn thận. Vừa phải leo dốc vừa ngóc cổ lên soi soi nhà cửa vừa phải tránh né người dân – những người đã quá quen với bức tranh này- đang hùng hục đổ dốc. Mà nơi đây ít có đèn xanh đỏ, ngay cả ở phố lớn, muốn qua đường thì xe cộ phải nhường thôi, biển hạn chế tốc độ cắm tá lả khắp nơi, đi đâu mà vội, đằng nào thì cũng chỉ đến đây nghỉ dưỡng thôi mà.
Có nhiều không gian trong thành phố khiến tôi có cảm giác như ở Việt Nam, như ở Đà lạt, cũng đồi núi chập chùng với các villas xin xắn, một cái chợ bán hoa quả họp buổi sáng người ta đang hối hả dọn hàng, một dãy nhà cấp 4 lôi thôi sát đường tàu có điều hòa, bình ga lô nhô thò ra. Và đặc biệt là hoa. Hoa được bày ở khắp nơi, trên hiên nhà, trong vườn, trên giải phân cách, dọc theo tường nhà, cột vào hàng rào. Thân thương nhất là hoa ngũ sắc. Những bông ly ty vươn dài như những loa kèn nhỏ kết lại một đóa hình mâm xôi. Cái tên cứt lợn được khoác cho nó thật tội nghiệp, hương thơm và có màu đỏ cam vàng tím phân bố tỏa đều trên đóa từ trong ra ngoài.
Cuối cùng, yếu tố kém lãng mạn nhất trong cả chuyến đi nhưng cũng gây tò mò có lẽ là rác. Rác ở đây được chia làm 3 loại và thu gom trong 4 thùng đặt hoành tráng ở nơi công cộng. rác thải sinh hoạt, rác tái chế và chai lọ, cũng như ở Lyon. Chợt nhớ tới một tài liệu có nói rằng mức độ văn minh của đô thị có thể khảo sát nhanh qua năng lực phân chia rác của người dân. Thường thì dân tình không đủ kiên nhẫn và trình độ để phân loại chi tiết, nghĩ lại ngay cả bản thân mình cũng lìu tìu, mỗi lần đi vứt rác cũng thường phải động não 1 lúc, thế mà ở Nhật bản còn có thể phân ra đến 9 loại rác khác nhau. Vãi văn minh. Rác ở Aix les bains thì chỉ có 3 loại 4 thùng, nhưng tôi bắt gặp nhiều thùng rác trên đó có dán lịch họp chợ Brocante của địa phương, như lời kêu gọi cuối cùng trước khi người ta vứt bỏ đồ vật. Đi đến parking cạnh công viên nước thành phố thì gặp một loạt các thùng rác có hình như kính tiềm vọng của tàu ngầm, nằm trên vỉa hè nhưng vươn ống thu ra sát đường để dành cho những người lái xe ăn Mc Do có thể vứt thẳng rác vào thùng mà không phải ra khỏi xe. Đây là tiệm Mc Drive duy nhất của thành phố và hình như dự án thùng rác này cũng là của Mc Do địa phương tài trợ.
Wifi ở ghế đá công viên
(Ra tới giữa hồ nhưng cứ đứng im)