Ở Pháp, đi dạo trên những con phố đi bộ ở trung tâm vào những ngày trời trong nắng ấm, bạn có thể gặp những nghệ sỹ đường phố ở mọi góc phố, mọi quảng trường. Trang bị của họ cực kỳ đơn giản và muôn vẻ, nó làm ta nhớ lại hình ảnh gánh xiếc của cụ Vitaly thời trước, có thể là vài trẻ trâu cởi trần mạnh khỏe trên nền nhạc hiphop từ cái đài họ mang theo. Có thể là 1 cô nàng vác ghita gào vang 1 khu phố, hoặc có thể 1 anh chàng bê nguyên đàn piano kê ko xa shop quần áo H&M. Là một người không sành về âm nhạc, nghệ thuật, nhưng với cảm nghĩ của tôi thì chất lượng biểu diễn của họ không quá chuyên nghiệp, bạn đừng hy vọng thường xuyên gặp những pha trình diễn như trên show Got talent, các nghệ sĩ amateur ở đây trình diễn suốt ngày nên chất lượng thường thì tương đương buổi văn nghệ của lớp bạn thôi. Tôi có lần bị 1 cậu nhóc tâng bóng đá tung mắt kính do mình đừng coi quá gần, rồi mấy anh hiphop ngã lăn quay rách chân rách tay là chuyện bình thường, hài hước nhất là pha đánh rớt quả cầu pha lê vào chân đau thôi rồi, nghệ sỹ vừa xuýt xoa vừa lò cò đuổi theo quả cầu lăn lăn đến hơn chục mét. Có lần tôi hỏi một anh bạn nghệ sỹ đang ngồi tu nước suối ừng ực sau khi thổi vài bài tù tì bằng chiếc kèn Saxo, anh ta cho biết là “mình chỉ thích chơi nhạc, mà chơi ở nhà thì ầm ĩ (nhà bên pháp tường dày nên oang vỡ đầu các bạn ạ), ra ngoài này không gian thoáng mát tập luyện là chính, chứ biểu diễn tiền nong gì đâu”. Đúng thật, họ là những thanh niên ham thích nghệ thuật, và hoạt động nghệ thuật. Họ biểu diễn trước hết là cho chính mình. Đó là động lực lớn nhất và nước Pháp cung cấp cho họ những góc phố lãng mạng, những không gian đầy văn hóa lịch sử để làm nền cho họ biểu diễn, Nước Pháp giúp họ và tôn vinh họ.
Thực vậy, bạn cảm nhận thế nào khi được xem một người nghệ sỹ nhảy tự do với bóng Eiffel xa xa đằng sau, một người vừa chơi ghita mộc vừa hát trên nền gạch lát cổ của Vieux Lyon, riêng tôi, sau một chuyến bay dài 7 tiếng xuống Charles de Gaule, ngồi trên RER cà rịch nghe 1 nghệ sỹ chơi Accordeon bài La vie en rose cũng thấy bồi hồi như được trở về.
Nước pháp nuôi dưỡng chăm sóc họ, và ngược lại, chính họ là môi trường văn hóa mẫu mực nhất cho cả nền dân trí, là nguyên khí cho những tài năng lớn được vun đắp và trưởng thành. Bao nhiêu quán cafe bên đồi Montmartre mới ra một Sartre, một V. Hugo,bao nhiêu tiết mục nghệ thuật đường phố mới ra một Paul Mauriat. Sự liên hệ giữa môi trường văn hóa và vĩ nhân kinh viện ko thể mô tả bằng phép toán, nhưng là chân lý hiển hiện mà ai cũng có thể cảm nhận được.
Sôi nổi hơn cả là Fete de la musique và những festival âm nhạc, tôi ko bỏ lỡ 1 dịp fete de la musique nào ở xứ này, người người đổ ra đường chơi nhạc, nhà nhà dắt nhau đi nghe nhạc và đàn hát. Không hề có 1 chút “Lễ” nào trong các Festival, chỉ tràn đầy một không khí “Hội hè”, đàn địch. Họ hát, họ đàn, họ nhảy, và khán giả cũng thế. Lần đầu đến với Fete de la musique, Là một người vụng về và có thành tích chưa đi sàn lần nào, tôi từ một pho tượng chỉ định đi qua ngó đã trở thành 1 chú rối Pinoccio sống động nhảy tưng tưng loạn xạ bị không khí âm nhạc hội hè giật dây. Âm nhạc ở khắp mọi nơi, miễn phí và thu hút. Đi ngang qua một tiệm kebap, chủ quán vác cả mấy nhạc cụ Thổ nhĩ kỳ ra vừa nướng thịt vừa chơi nhạc, có những ban nhạc, toàn các cụ già hói trắng, da dẻ hồng hào chơi ngũ tấu 5 loại kèn khác nhau, chỗ khác thì 1 bà già đang lĩnh xướng cho cả đám choai choai nhảy Guantanamera cùng tốp nghệ sĩ Cuba. Trời bỗng mưa nhỏ mang lại sự lãng mạn cho đám đông sôi nổi. Tất cả hòa trộn lại thành một không gian của âm nhạc và văn hóa. Có lẽ, các nghệ sỹ và con người ở đây ko còn quá thuần pháp, nhưng không gian văn hóa sôi nổi lãng mạn này thì vẫn còn rất Pháp.